Đề nghị chấn chỉnh biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn

“Cầu mong cuộc sống bình an, hạnh phúc là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu đó để lôi kéo người khác vào hoạt động mê tín, trục lợi cá nhân là điều không thể chấp nhận được.”
Đề nghị chấn chỉnh biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn ảnh 1"Biển người" dự lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 12/2. (Ảnh: Vietnam+)

Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh/ thành phố phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời hiện tượng biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 73/VHCS-NSVH (gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương), yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu Xuân.

[Dân Hà Nội chen chân vái vọng, dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh]

Thời gian gần đây, nhiều di tích, ngôi chùa… liên tục ở trong tình trạng quá tải do lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn quá lớn. Điển hình như tối 12/2 vừa qua (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao, xếp hàng dài từ sân chùa ra khu vực quanh cầu vượt Ngã Tư Sở, gây nên tình trạng quá tải, mất an toàn giao thông…

“Cầu mong một cuộc sống bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe là nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu đó để lôi kéo người khác vào các hoạt động mê tín hay ‘tung’ ra các dịch vụ ăn theo nhằm trục lợi cá nhân là điều không thể chấp nhận được,” đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, việc cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ niềm tin, tín ngưỡng của người Trung Quốc. Thời kỳ cổ xưa, người Trung Quốc tin rằng, có 28 vì sao trưởng quản lý những vấn đề liên quan đến đời sống của con người: sức khỏe, tuổi thọ, công việc, tài lộc… Bởi vậy, dịp đầu năm, họ thường bày lễ vật cúng sao với mong muốn sẽ gặp nhiều suôn sẻ, may mắn trong cuộc sống.

“Ở Việt Nam hiện nay, hàng năm, sau Tết Nguyên đán, nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn để tự trấn an bản thân, hy vọng tránh được tai ương, những điều kém may mắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc cúng dâng sao giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật,” Thượng tọa Thích Thanh Tuấn cho biết.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo cho rằng, các chùa ở Việt Nam thường làm lễ cầu an dịp đầu năm. Người dân đến chùa làm lễ cầu an trước hết để cầu cho quốc thái, dân an, tiếp đến là cầu cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, tâm hướng đến Phật, bỏ điều ác, làm điều thiện. Một số chùa có tập tục cúng sao vì sư trụ trì các chùa này còn thiếu hiểu biết. Đó là cơ hội để sự mê tín tồn tại trong xã hội.

Đề nghị chấn chỉnh biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn ảnh 2Nhiều người dân thừa lúc lực lượng an ninh không để ý đã nhanh chóng trèo rào nhảy vào bên trong để xin ấn tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)

Công văn của Cục Văn hóa Cơ sở cũng nêu rõ, về cơ bản, các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách trên địa bàn cả nước. Các địa phương đã có những chỉ đạo kiện quyết, kịp thời và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tham gia lễ hội.

[Photo: Nhét tiền, trèo rào 'đột nhập' đền Trần giờ khai ấn]

Tuy nhiên, một số lễ hội được tổ chức đầu Xuân Kỷ Hợi và hoạt động tín ngưỡng tại di tích một số địa phương vẫn tồn tại hạn chế cần khắc phục như: hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; đánh bạc, cá cược bóng trò chơi truyền thống; đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; đốt đồ mã, vàng mã nhiều, không đúng nơi quy định tại các di tích, đền, phủ…

Từ thực tế nói trên, lãnh đạo Cục Văn hóa Cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng nêu trên, báo cáo về Cục Văn hóa Cơ sở trước ngày 30/3.

“Cúng sao giải hạn cũng như nhiều tập tục, nghi thức khác là vấn đề liên quan đến tâm lý, nhận thức của người dân nên không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc hay đòi hỏi sự thay đổi trong ‘một sớm, một chiều.’ Để khắc phục, hạn chế những biến tướng, hiện tượng tiêu cực, lợi dụng niềm tin của cộng đồng để trục lợi cá nhân, các cơ quan quản lý, nhà văn hóa… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự, tránh sự lệch lạc khi thực hành,” bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục