Đề xuất 1.800 tỷ USD của ông Trump không được lưỡng đảng hoan nghênh

Đề xuất về gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sỹ phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 9/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., Mỹ, ngày 9/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đề xuất về gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sỹ phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội, qua đó làm giảm kỳ vọng về một gói cứu trợ kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 3/11.

Một nguồn thạo tin cho biết tại cuộc họp ngày 10/10 với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, nhiều thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đã chỉ trích con số đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump.

Đề xuất mới của Nhà Trắng cao hơn so với con số 1.600 tỷ USD mà ông Mnuchin đưa ra trước đó và khá gần với mức 2.200 tỷ USD mà Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua vào tuần trước.

Trong một lá thư gửi tới các nghị sỹ đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump thiếu "kế hoạch chiến lược để tiêu diệt dịch bệnh" và cho phép Tổng thống Trump có quá nhiều quyền quyết định cách phân bổ tiền.

[Mỹ: Nhà Trắng đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD]

Bức thư của bà Pelosi cho biết tại thời điểm này, các bên vẫn còn bất đồng về nhiều ưu tiên và đảng Dân chủ đang chờ đợi những lời trực tiếp từ Chính quyền Mỹ về một số điều khoản khi các cuộc đàm phán về quy mô gói cứu trợ tiếp tục.

Ngoài ra, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, cũng đã bày tỏ hoài nghi về khả năng các nhà lập pháp sẽ thông qua một gói cứu trợ trước ngày 3/11, mặc dù ông không trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 31,7% trong quý 2/2020 khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Các nhà kinh tế cảnh báo kinh tế Mỹ rất cần một đợt hỗ trợ mới từ chính phủ để ngăn chặn làn sóng sa thải lao động và phá sản cũng như tiếp tục hỗ trợ những người thất nghiệp.

Nhiều tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thúc giục các chính phủ trên thế giới duy trì các biện pháp chi tiêu để củng cố nền kinh tế của họ sau giai đoạn bị tàn phá bởi đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục