Đề xuất 2.000 tỷ đồng mở rộng Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn lên thành 6 làn xe

Dự án mở rộng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn nếu được phê duyệt sẽ có quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, rộng 32,25m; tốc độ thiết kế 100-120km/h.

Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn hiện có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn hiện có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn.

Theo đó, dự án có điểm đầu tuyến tại Km259+100,15 (lý trình đường Cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa), thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; điểm cuối tuyến tại Km274+345 (lý trình đường Cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa), giao cắt với tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình, thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chiều dài dự kiến khoảng 15,245km.

Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị đầu tư mở rộng đoạn tuyến nói trên để đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ thiết kế 100-120km/h; quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, rộng 32,25m. Hướng tuyến cơ bản đi theo hướng đường cũ đang khai thác.

Mặt khác, Dự án mở rộng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn còn đầu tư xây dựng một cầu mới bên cạnh cầu cũ (Cầu Cao Bồ, Cầu Cẩm, Cầu vượt Quốc lộ 10, Cầu Quán Vinh), giữ nguyên 3 cầu (Cầu Trại Mễ, Cầu Đông Thịnh, Cầu Mai Sơn) đã đầu tư xây dựng quy mô hoàn thiện; nâng cấp, cải tạo xây dựng 2 nút giao liên thông gồm nút giao Khánh Hòa và nút giao Mai Sơn.

Phía Ban Quản lý dự án Thăng Long khái toán tổng mức đầu tư dự án là 2.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và nguồn vốn hợp pháp khác. Do mặt bằng của dự án đã được giải phóng cho quy mô hoàn thiện trong giai đoạn phân kỳ nên việc mở rộng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn chỉ tốn kinh phí xây dựng, tư vấn, quản lý dự án và dự phòng.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là trong giai đoạn 2024-2027, trong đó thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2023-2024; triển khai thực hiện toàn bộ dự án đến khi hoàn thành năm 2024-2027; hoàn công công trình và đưa vào khai thác vào năm 2027.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn (dài khoảng 15,245km) thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hạn chế 17m, một số đoạn đường đầu cầu, công trình cầu và hầm chui dân sinh được mở rộng với 32,25m, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Đoạn cao tốc này được đưa vào khai thác từ tháng 2/2022. Sau khi đưa vào khai thác, đoạn Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục) đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra tắc nghẽn vào dịp lễ, Tết, mùa du lịch.

nut-giao-cao-bo-mai-son-7371.jpg
Một nút giao tại Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải đáp vì sao phải phân kỳ đầu tư cao tốc, tại phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội khóa XV vào chiều 6/11 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết trong giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước rất quan tâm việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ này, Nhà nước đã giành 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng hạ tầng, trong đó chủ yếu xây dựng đường cao tốc. Tuy nhiên, ngân sách này mới chỉ đạt 70% nhu cầu.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi. Thực tế, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… và một số quốc gia châu Âu đều phải phân kỳ đầu tư với cao tốc.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo bốn nguyên tắc để đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng tạo được tiền đề, thuận lợi cho giai đoạn sau, khi có điều kiện nâng cấp.

Nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn và chỉ phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt nền đường. Các hạng mục kỹ thuật, giải phóng mặt bằng thì chỉ làm một lần. Có nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội-Hải Phòng, Bến Lức-Long Thành, Phan Thiết-Dầu Giây...

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch nâng cấp các cao tốc 2 làn xe trong thời gian tới, dựa trên thực tế lưu lượng xe và khả năng của ngân sách.

Nói về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc hai làn xe, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ Giao thông Vận tải cần suy nghĩ thêm.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục