Để xuất bản thực sự là hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước

Qua 7 năm thi hành, Luật Xuất bản 2012 đã tạo ra hành lang pháp lý khá đồng bộ, điều chỉnh toàn diện đến các hoạt động xuất bản, in và phát hành.
Để xuất bản thực sự là hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước ảnh 1Tính đến tháng 10/2020, cả nước có 59 nhà xuất bản, 450 cơ sở phát hành. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Luật Xuất bản 2012 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Qua hơn 7 năm thi hành, Luật đã khẳng định ý nghĩa quan trọng, giá trị pháp lý to lớn của một luật chuyên ngành, tạo dựng căn cứ, cơ sở, hành lang pháp lý khá đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển.

Tuy nhiên, cho đến nay, một số quy định của Luật vẫn chưa phát huy được hiệu quả, nhất là việc triển khai xuất bản điện tử trong thời điểm các ngành, lĩnh vực đang tích cực triển khai chuyển đổi số.

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi

Xuất bản là lĩnh vực hoạt động quan trọng, quản lý hoạt động xuất bản, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Sự nghiệp xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, nhân dân; là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy, truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam...

[Thúc đẩy xuất bản phát triển đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số]

Ngay từ giai đoạn đầu của chính quyền cách mạng, ngày 18/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc Luật số 003/SLT quy định về chế độ xuất bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó, ngày 24/6/1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 275/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Sắc luật 003/SLT. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên điều chỉnh về lĩnh vực xuất bản.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về xuất bản.

Tính từ năm 1993 đến nay, Quốc hội đã bốn lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thông qua 4 Luật điều chỉnh lĩnh vực xuất bản: Luật Xuất bản 1993; Luật Xuất bản 2004; Luật Xuất bản năm 2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản 2004 và Luật Xuất bản năm 2012.

Theo ông Tống Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, việc Nhà nước liên tục xây dựng, ban hành Luật, Luật sửa đổi bổ sung để điều chỉnh hoạt động xuất bản, in và phát hành vừa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực này; đồng thời cũng cho thấy đây là lĩnh vực có sự phát triển hết sức nhanh chóng, đa dạng.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, các xu hướng của thị trường đã tạo nên nhiều loại hình xuất bản mới, nhiều vấn đề mới phát sinh..., đòi hỏi phải có hệ thống các quy định phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật Xuất bản 2012 ra đời đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của thực tiễn phát triển, đánh dấu một bước phát triển mới với hệ thống các quy phạm vừa khắc phục được những tồn tại, hạn chế, những lỗ hổng các Luật trước đây chưa điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; vừa dự báo, lường hóa những vấn đề mới phát sinh với những quy định phù hợp, kiến tạo một môi trường pháp lý thuận lợi góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển trước yêu cầu mới.

Qua 7 năm thi hành, Luật Xuất bản 2012 đã tạo ra hành lang pháp lý khá đồng bộ, điều chỉnh toàn diện đến các hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Luật cũng góp phần tạo ra môi trường thuận lợi, cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa hoạt động xuất bản.

Số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy tính đến tháng 10/2020, cả nước có 59 nhà xuất bản, 450 cơ sở phát hành.

Để xuất bản thực sự là hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước ảnh 2Cuốn sách Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng mới được phát hành. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong lĩnh vực xuất bản, các nhà xuất bản đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức độ tăng bình quân khoảng 6-8%/năm, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 4,6 bản/người vào năm 2019.

Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, số lượng đầu sách, bản sách giảm khoảng 10% so với 2019.

Đối với lĩnh vực in, có sự phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng. Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách hàng.

Công nghệ in tiếp tục được đổi mới, hiện đại, in ra các sản phẩm có chất lượng cao, bắt kịp trình độ phát triển của khu vực.

Đối với lĩnh vực phát hành, dù phải chịu những tác động rất mạnh của hình thức kinh doanh xuất bản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ, internet nhưng số lượng cơ sở phát hành xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản cơ bản được giữ vững.

Tính hết năm 2019, doanh thu ngành phát hành sách đạt trên 4.000 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động liên kết xuất bản, nhiều cơ sở phát hành xuất bản phẩm đã phát huy được thế mạnh về khai thác bản thảo, về tiếp cận thị trường nên việc gắn kết,đồng hành giữa các cơ sở phát hành với nhà xuất bản ngày một rõ nét...

Phát triển văn hóa đọc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, hoạt động xuất bản thời gian qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh.

Có thể kể đến một số bất cập như: tình trạng khan hiếm bản thảo, sách có chất lượng, sách do nhà xuất bản tự xuất bản ngày càng ít.

Xu hướng "thương mại hóa" trong liên kết xuất bản ngày càng phức tạp, chậm được khắc phục.

Hiện tượng tàng trữ, mua bán sách lậu, vi phạm bản quyền, sách có nội dung vi phạm quy định Luật Xuất bản vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi...

Đây là những hạn chế có nguy cơ tác động tiêu cực, cản trở sự phát triển của ngành, làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của người dân.

Theo một khảo sát điều tra xã hội học gần đây của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách trong vòng 1 năm.

Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho thấy, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách...

Theo lý giải, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến giới trẻ ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành căng thẳng, Facebook chiếm nhiều thời gian) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán...

Từ kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết so với cả nước, các doanh nghiệp ngành Xuất bản, in và phát hành trên địa bàn Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động tương đối nhộn nhịp, phát triển nhanh, bền vững, có nhiều cơ hội được làm việc, giao dịch, giao lưu với quốc tế và khu vực, được cọ sát và có nhiều tiềm năng phát triển, chuyển biến nhanh phù hợp với hoàn cảnh, thay đổi điều kiện, yêu cầu của đối tác.

Trong thời gian qua ngành xuất bản, in và phát hành Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và khẳng định là một trong các ngành nghề đi đầu cả nước về doanh thu toàn ngành cụ thể: lĩnh vực xuất bản, phát hành ước đạt trên 3.500 tỷ đồng/ năm, lĩnh vực in thành phố ước đạt trên 45.000 tỷ đồng/ năm, duy trì ổn định ở mức tăng trưởng từ 6-8%/ năm, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động ngành.

Bên cạnh các sự kiện, hoạt động gắn liền với sách được xem là thương hiệu văn hóa của Thành phố, như hội sách, Lễ hội Đường sách Tết hàng năm thì sự ra đời Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu và nổi bật của Thành phố, đến nay đã khẳng định là điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc của Thành phố.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh là mô hình văn hóa đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả, theo đúng tôn chỉ và là nơi để học sinh, sinh viên, người dân thành phố và du khách có những trải nghiệm về các hoạt động liên quan đến sách với doanh thu tăng đều qua các năm (năm 2016 là 26 tỷ; đến năm 2019 là 47 tỷ).

Từ thực tế đó, ông Từ Lương kiến nghị các cơ quan liên quan cần bổ sung nội dung phát triển văn hoá đọc vào các Nghị định thi hành Luật xuất bản 2012 hay đưa vào phần bổ sung sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới; bởi vì phát triển văn hóa đọc càng trở nên quan trọng và là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực.

Thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển

Luật Xuất bản năm 2012 đã có một chương riêng quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, tạo điều kiện thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển nhanh, trở thành động lực phát triển của ngành, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tham gia hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, chỉ rõ tính hết năm 2019, toàn ngành đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó chỉ có 20 nhà xuất bản đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm (chiếm 33% tổng số các nhà xuất bản).

Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, dự báo doanh thu của ngành giảm từ 10-20%.

Phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này còn yếu, nhiều hạn chế. Đến hết tháng 10/2020, mới có 9 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản điện tử (chiếm 15,2% tổng số các nhà xuất bản); xuất bản được 2.400 xuất bản phẩm với ước tính 1,5 triệu bản, chiếm 6,4% về số đầu xuất bản phẩm, 0,34 số xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động phát hành sách trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử là một nét mới, mở ra tiềm năng lớn cho hoạt động phát hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ.

Trong vòng 5 năm trở lại đây đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử tham gia vào hoạt động phát hành với thị phần lớn.

Một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách cũng chú trọng phát triển các website giới thiệu thành sàn thương mại.

Tuy nhiên, do tính chất mới và phức tạp của hoạt động thương mại điện tử, trong khi các quy định về sản thương mại điện tử hiện nay chưa bao quát hết các nội dung cần quản lý.

Đồng thời, với những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương; hoạt động mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất cập, trong đó có hiện tượng bán sách vi phạm bản quyền.

Cùng đó, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xuyên quốc gia, một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh phát hành xuất bản phẩm nhưng không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật; phát hành sách lậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi tác giả, nhà xuất bản, đơn vị liên kết, tạo thị trường cạnh tranh không lành mạnh, đe dọa sự phát triển của toàn ngành.

Góp ý về việc quản lý các xuất bản phẩm được kinh doanh, phát hành online, bà Trần Thị Mai Dung, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng thực tế hiện nay ngoài hình thức phát hành truyền thống, kinh doanh sách online hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời phát sinh hoạt động phát hành, kinh doanh sách kèm theo các chương trình, hoạt động kinh doanh khách của doanh nghiệp (sản xuất kinh doanh đồ chơi, thiết bị giáo dục...).

Nếu như với loại hình kinh doanh truyền thống, sách sẽ được trưng bày, lưu trữ tại các cửa hàng, kho hàng, các cơ quan chức năng có thể tiến hành kiểm tra tính hợp pháp của xuất bản phẩm đang được phát hành.

Tuy nhiên, với xuất bản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử, các trang web bán hàng online, sách sẽ được chuyển thẳng từ tay người bán đến bạn đọc. Thực tế, bạn đọc phải nhận sách giả, sách kém chất lượng đã xảy ra khá phổ biến.

Bà Trần Thị Mai Dung kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tham mưu việc điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan, trong đó có vai trò phối hợp giám sát, trách nhiệm kiểm tra các yêu cầu điều kiện trước khi hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm, chứng từ hợp pháp của các xuất bản phẩm được phát hành của những đơn vị quản lý trang web bán hàng, các sàn giao dịch điện tử.

Đối với việc thúc đẩy xuất bản điện tử, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhìn nhận cơ chế, chính sách pháp luật hầu như đã có hết nhưng chưa thực thi được trong thực tế.

Xuất bản điện tử đã đặt ra nhưng rất trì trệ, chậm trễ, nhất là trong điều kiện mọi ngành, mọi lĩnh vực đang đẩy nhanh chuyển đổi số như hiện nay, buộc phải tìm ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục