Đêm diễn “Xẩm và đời” gây ấn tượng đặc biệt với khán giả Thủ đô

Toàn bộ sân khấu Nhà hát Lớn đã tái hiện hình ảnh một Hà Nội cổ kính, trầm mặc và trong không gian đó, Xẩm - nghệ thuật truyền thống hết sức độc đáo của Hà Nội - đã hồi sinh
Đêm diễn “Xẩm và đời” gây ấn tượng đặc biệt với khán giả Thủ đô ảnh 1Các nghệ sỹ Hà Nội biểu diễn hát Xẩm. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật “Xẩm và đời” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc tổ chức đã diễn ra tối 20/1, tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Để chuẩn bị cho đêm diễn này, các nghệ sỹ như nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, nhạc sỹ Quang Long, ca sỹ Hà Linh , nhóm xẩm Hà thành, nghệ sỹ saxsophone Phan Anh Dũng... cùng anh chị em nghệ sỹ đã miệt mài tập luyện trong nhiều ngày.

Toàn bộ sân khấu tái hiện hình ảnh một Hà Nội cổ kính, trầm mặc và Xẩm Hà Nội được tái hiện một cách độc đáo...

Trong suốt chương trình, giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã theo sát từng tiết mục. Ông cho biết, dù khó khăn đến mấy nhưng việc tôn vinh Xẩm là điều cần làm và ông trân trọng nỗ lực của các nghệ sỹ khi dám làm đêm nhạc trong điều kiện kinh tế eo hẹp, còn nhiều khó khăn.

Chương trình nghệ thuật “Xẩm và đời” được kết cấu thành 3 phần gồm Xẩm xưa; Xẩm đương đại; Xẩm thử nghiệm kết hợp với một số loại hình âm nhạc khác.

Xẩm xưa với những bài xẩm kinh điển đã rất phổ biến khắp miền Bắc những năm nửa đầu thế kỷ 20, trong nhiều thập niên vắng bóng, những bài xẩm này vẫn được các nghệ nhân hát xẩm giữ bên mình.

Ở phần Xẩm đương đại, vẫn là những làn điệu xẩm xưa nhưng được các nghệ sỹ lồng điệu vào những bài thơ trong giai đoạn hiện nay.

Phần 3, Xẩm thử nghiệm với những dòng nhạc đương đại thế giới, góp phần thể nghiệm trong khai thác những ưu điểm của âm nhạc hát Xẩm hòa với dòng chảy của dòng nhạc thế giới.

Nhạc sỹ Quang Long chia sẻ, đời người hát Xẩm suốt thời gian dài trong quá khứ bị đánh đồng với ăn xin nên con cái người hát Xẩm không muốn theo nghề vì xấu hổ. Mặt khác, cũng do hiểu không đúng Xẩm, nên Xẩm không được phát triển.

Trong suốt quá trình phục hồi, các nhà nghiên cứu đã đi rất nhiều nơi tìm nghệ nhân hát Xẩm, bên cạnh nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng vẫn còn 2 hay 3 nghệ nhân nhưng họ đều già yếu, lớn tuổi và quên rất nhiều làn điệu trong Xẩm.

Hát Xẩm rất đặc biệt ở chỗ nghệ thuật này dù có thể biểu diễn không nuột nà nhưng âm nhạc và lời ca phải chú ý đến từng nốt, từng chữ. Điều đó gần như vắng bóng từ sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu và Nguyễn Văn Giang. Bởi vậy, những người biểu diễn trong chương trình này đều là những nhạc sỹ, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ cố gắng giữ hồn Xẩm.

Hai người dẫn chuyện cho chương trình là nhà thơ Vũ Quần Phương và ca sỹ Trà Ngọc Hằng.

Ca sỹ Trà Ngọc Hằng vào vai cô gái trẻ phương Nam đi khám phá một nét âm nhạc đường phố đặc sắc của Hà Nội; còn nhà thơ Vũ Quần Phương là một nhà văn hóa am hiểu về truyền thống của Hà Nội đã chia sẻ, đối thoại với cô về nghệ thuật Xẩm đặc sắc này.

Sự kết hợp của hai thế hệ trong vai trò người dẫn chuyện cũng là ẩn ý hát Xẩm được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, là một nét truyền thống trong quá khứ cần tiếp tục phát triển đến ngày hôm nay.

Một số bài Xẩm nổi tiếng đã được biểu diễn trong chương trình như ''Xẩm ba bậc,'' ''Vợ chồng cờ bạc,'' ''Nghĩa mẹ sinh thành,'' ''Quyết chí tu thân,'' ''Thập ân 10 điều,'' ''Mục hạ vô nhân…''

Trong đêm diễn, Ban tổ chức cũng đã trao học bổng cho một số bạn trẻ đam mê học tập và âm thầm gìn giữ, phát huy Xẩm trong đời sống hôm nay bằng nhiều cách khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục