Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư là trung tâm chính trị - kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền.
Cố đô Hoa Lư uy nghi, trầm mặc giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Ninh Bình đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010), với những dấu ấn vàng son: thống nhất giang sơn, đánh Tống dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Thăng Long-Hà Nội.
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, nhiều di tích lịch sử của Cố đô Hoa Lư vẫn được bảo tồn và gìn giữ đến tận ngày nay. Điển hình là Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành - những công trình có giá trị văn hóa-lịch sử rất quan trọng với dân tộc Việt Nam.
Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê, được xây dựng từ thời nhà Lý và được nhà Hậu Lê cho xây dựng lại vào thế kỷ 17, tọa lạc tại xã Trường Yên - vị trí thuộc trung tâm thành Đông của Kinh đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi di tích lịch sử đặc biệt đã được xếp hạng “Tốp 100 Công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam.”
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
Đền Vua Đinh Tiên Hoàng được khởi công xây dựng từ thời nhà Lý theo kiểu “nội công, ngoại quốc,” nằm giữa các tán cây đại thụ, là một kiến trúc độc đáo về nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian Việt Nam thế kỷ 17 và 19.
Quần thể đền bao gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, núi giả, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội, cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung.
Lớp ngoài là ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Phía trước ngọ môn quan đặt một long sàng tạc bằng đá xanh. Qua một khoảng sân vào đến lớp thứ hai là nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của nghi môn nội xây bốn cột trụ cao.
Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng lại có một long sàng bằng đá thứ hai, dài 1,8m, rộng 1,4m, xung quanh chạm nổi. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối.
Đặc biệt, mặt long sàng thể hiện một hình tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử điêu khắc Việt Nam, đó là hình tượng rồng mang bàn tay phụ nữ. Cặp long sàng trước ngọ môn quan và ở sân rồng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Từ sân rồng bước lên là bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh.
Đi hết tòa thiêu hương, du khách bước vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng Vua Đinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa.
[Lễ hội 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt ở cố đô Hoa Lư thu hút du khách]
Gian bên trái thờ tượng Đinh Liễn quay mặt về phía Nam, là con trưởng của Vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên phải thờ tượng Đinh Hạng Lang (ngoài), Đinh Toàn (trong) đều quay mặt về phía Bắc, là hai con thứ của Vua Đinh Tiên Hoàng.
Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông, các con trai của Vua và có cả bài vị thờ các tướng triều đình nhà Đinh.
Đền thờ Vua Lê Đại Hành
Nằm cách đền Vua Ðinh khoảng 500 mét về phía Bắc là Đền thờ Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn). Ngôi đền cổ vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thế kỷ 17 này thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh.
Trong đền cũng thờ bài vị thờ Công chúa Lê Thị Phất Ngân, con của Vua Lê và bài vị tướng Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi.
Xây dựng cùng thời điểm với Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành có kiến trúc khá giống với Đền Vua Đinh và giữ nguyên lối kiến trúc, điêu khắc của thời kỳ Hậu Lê.
Đền Vua Lê cũng được xây dựng theo kết cấu kiểu "nội công ngoại quốc," có ba tòa bao gồm bái đường, thiêu hương, chính cung.
Cũng như Đền Vua Đinh, ở Đền Vua Lê, cửa đền được lui vào tận hàng cột cái và đền được bao kín xung quanh nên bên trong đền khá tối. Ánh sáng mờ ảo tạo cho các đồ thờ và nghi tượng một vẻ uy nghiêm, cổ kính và huyền bí.
Tương truyền, Đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng trên nền cũ của cung điện Cố đô Hoa Lư xưa. Vào năm 1998, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật một khu vực rộng 200m2 ở phía Nam khuôn viên đền và tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền.
Bái đường Đền thờ Vua Lê có 5 gian, với ba tấm biển lớn sơn son thếp vàng. Tiếp đó là tòa thiêu hương được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu ống muống. Trong thiêu hương thờ tứ trụ triều Tiền Lê.
Chính cung có 5 gian, gian giữa thờ tượng Vua Lê Đại Hành ngự trên ngai vàng, đầu đội mũ Bình Thiên, nét mặt quắc thước, uy nghiêm.
Gian bên trái thờ tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, còn gọi là tượng Bảo Quang Hoàng Thái Hậu. Gian bên phải thờ tượng Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) là con thứ 5 của Vua Lê Đại Hành và là đời Vua thứ 3 của nhà Tiền Lê.
Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê không chỉ là biểu tượng cho sự tôn kính, biết ơn của nhân dân đối với hai vị Vua có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế kỷ thứ 10, những dấu vết của vương triều Cố đô Hoa Lư xưa vẫn còn đây, gợi nhớ về thời kỳ huy hoàng, độc lập, tự chủ của nước Đại Cồ Việt nghìn năm trước - lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng.
Niềm tự hào dân tộc của người Việt thể hiện ở đôi câu đối tại Đền Vua Đinh: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Tràng An,” nghĩa là "Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo/ Kinh đô Hoa Lư như Kinh đô Tràng An của nhà Hán."
Năm 2014, Cố đô Hoa Lư - một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An - đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa kép đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á./.