Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023

Trải qua 86 năm, với 8 đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023 ảnh 1Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tối 28/4, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; cùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và hàng nghìn du khách thập phương đã dự lễ.

Tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng khẳng định Di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại và những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua là vô cùng quý giá; là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tiến tới thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

[Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tu bổ Di tích Cố đô Hoa Lư]

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới tỉnh Ninh Bình cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hành dân chủ, giữ vững kỷ cương, đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xác định, phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, lợi thế của địa phương; giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023 ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ninh Bình cần chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tự nhiên, văn hóa-lịch sử, đặc biệt là giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới "Quần thể danh thắng Tràng An."

Vùng đất Hoa Lư với hai triều đại: Đinh, Tiền Lê đã đặt nền móng để triều Lý nối ngôi năm 1009.

Được tạo lập các nền tảng phát triển vững chắc qua 42 năm trên đất Hoa Lư, mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô ra Đại La-Thăng Long, mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Thăng Long trở thành kinh đô thứ hai của Nhà nước Đại Cồ Việt.

Trải qua 86 năm, với 8 đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến sau này kế thừa và phát triển.

Lễ hội Hoa Lư được khai mạc hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý.

Lễ hội Hoa Lư xưa được các thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam tổ chức như Lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Trải qua thời gian, Lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân, làm cho giá trị của nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.

Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023 ảnh 3Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023 có 3 chương: Khởi nguồn Đế Đô, Dấu son Hoa Lư và Ninh Bình trong dòng chảy thời đại.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: "Hoa Lư-Ninh Bình: Thiên tình ca non nước" cũng góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Ninh Bình tới đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại chương trình được trình diễn trên một sân khấu với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, sử dụng công nghệ mới lazer, mapping... kết hợp với các hình ảnh được trình chiếu về sự phát triển của du lịch, những thắng cảnh đẹp với núi sông, hang động liền kề, trong đó có sự phát triển của văn hóa tâm linh làm tăng thêm yếu tố nghệ thuật giúp người xem, người nghe trực tiếp và qua truyền hình mãn nhãn trước cảnh đẹp "bồng lai tiên cảnh" của thiên nhiên, của đền chùa - một bức tranh phong cảnh tuyệt vời mà Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi.

Thông qua đó làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên, trầm tích văn hóa, giá trị lịch sử của Quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục