Dệt may ứng phó thế nào khi EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng do COVID-19?

EU, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. Dịch COVID-19 khiến nguồn cầu từ các thị trường trên giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp Việt.
Dệt may ứng phó thế nào khi EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng do COVID-19? ảnh 1Xuất khẩu dệt may sẽ chịu nhiều tác động nếu một số thị trường lớn tạm dừng nhận đơn hàng do COVID-19. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường Mỹ và EU chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. Chính vì vậy nếu một số khách hàng Mỹ và EU tạm ngưng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành.

Để hiểu rõ hơn, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có một số chia sẻ với phóng viên xoay quanh vấn đề trên.

[Việc EU đóng cửa biên giới chưa ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa]

- Thưa ông, hiện có một số thông tin các doanh nghiệp từ phía EU, Mỹ đang dừng các đơn hang dệt may của Việt Nam. Việc này có đúng không?

Ông Lê Tiến Trường: Trong 3 ngày từ 16/3 đến 19/3 bắt đầu có hiện tượng khách hàng nhập khẩu từ cả thị trường Mỹ và EU thông báo giãn, hoãn, đẩy lùi thời gian giao hàng. Cá biệt có một số đơn hàng dự kiến kinh doanh ngay trong tháng Tư nhưng phía đối tác hủy đơn hàng nếu chúng ta chưa sản xuất, mới đang có nguyên liệu tại kho.

Đây cũng là phản ứng của các nhà nhập khẩu do tình hình Mỹ, EU hạn chế đi lại, tiếp xúc cũng như các trung tâm thương mại đều có xu thế thu hẹp thời gian hoạt động hoặc đóng cửa do tác động của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, kênh phân phối bị thắt chặt lại và khả năng nhu cầu tiêu dùng của các thị trường này đều giảm nên đây là phản ứng của các nhà nhập khẩu. Trước mắt, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn khi gặp hiện tượng hủy và hoãn các đơn hàng này.

Dệt may ứng phó thế nào khi EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng do COVID-19? ảnh 2Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

- Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Lê Tiến Trường: Đối với dệt may Việt Nam, thị trường Mỹ năm 2019 chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu, thị trường EU chiếm 18%. Như vậy, hai thị trường này chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Do vậy ảnh hưởng do dịch COVID-19 tại hai thị trường này chắc chắn sẽ dẫn tới việc giảm lượng cầu. Trong thời gian hạn chế đi lại cũng như khoanh vùng các vùng các khu vực có dịch ở EU thì sức cầu sẽ rất thấp và đây cũng là tình huống trong cả 25 năm tồn tại và phát triển của Vinatex chưa bao giờ gặp phải. Đây là sự dừng đột ngột và hoãn rất dài kế hoạch sản xuất.

- Trước tình trạng này, ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp thành viên?

 Ông Lê Tiến Trường: Trước hết phải khẳng định đây là thị trường xuất khẩu rất lớn và đối với ngành Dệt may Việt Nam. Bởi, tuy quy mô của thị trường nội địa rất lớn nhưng cũng chỉ đạt 5 tỷ USD/năm trong khi năng lực sản xuất của ngành Dệt may Việt Nam chiếm đến trên 40 tỷ USD/năm.

Vì vậy, việc sụt giảm cầu của thế giới đối với ngành định hướng xuất khẩu như dệt may và một số ngành khác là nguy cơ rất lớn trong năm 2020 về kế hoạch sản xuất.

Mặc dù hướng trước mắt là tập trung vào phục vụ việc chống dịch trong nước với các sản phẩm phòng dịch đồng thời tập trung phát triển thị trường nội địa đẩy mạnh tốt hơn các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định thị trường trong nước không thể gánh được sự sụt giảm về xuất khẩu của ngành dệt may.

Quan trọng hơn là tiếp tục giữ ổn định lao động, có thể phải giảm bớt giờ làm nhưng cố gắng giữ được thu nhập trên mức tối thiểu của luật để giữ được người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cở sở đó, chúng tôi đã thống nhất và có một số kiến nghị về chính sách mà Nhà nước cần hỗ trợ, quan tâm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may trong giai đoạn này. Đó là những chính sách như hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội, miễn phí công đoàn của năm 2020 trong tình huống rất khó khăn để doanh nghiệp dung quỹ này để có thể trợ lượng cho người lao động khi thiếu việc.

Vinatex cũng kiến nghị Nhà nước hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, hoãn VAT 2020 đến cuối năm giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền tốt hơn để phục vụ ổn định đội ngũ lao động lớn của ngành dệt may bảo đảm an sinh và trật tự xã hội.

Tiếp đến là cho phép ngành dệt may sản xuất những mặt hàng phục vụ phòng dịch của thế giới thì được phép xuất khẩu nếu có năng lực sản xuất không ảnh hưởng đến việc cung ứng cho thị trường trong nước về các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, không phải chỉ có gói 285.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gặp khó khăn được trợ giúp lúc này, mà quan trọng hơn là chính sách kéo dài thời gian vay ngắn hạn để tổ chức sản xuất (trước đây thường là dưới 6 tháng) thì nay với điều kiện khách hàng đều giãn, hoãn, đơn hàng từ 3-4 tháng thì doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng xem xét cho vòng quay ngắn hạn kéo dài 11 tháng.

Đây cũng là giải pháp để giúp doanh nghiệp không bị chịu áp lực quá lớn về dòng tiền trả nợ trong khi đơn hàng chưa xuất được, chưa có tiền về và không bị rơi vào việc nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các ngân hàng thương mại cho phép doanh nghiệp chưa phải trả khoản nợ tới hạn và lãi của vay dài hạn cho đầu tư, các doanh nghiệp sẽ trả vào các năm sau khi mà thị trường hồi phục tốt hơn.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào một số thị trường 10 tháng năm 2019:

-  Riêng với hoạt động xuất khẩu, nếu như thời gian tới thị trường Mỹ và EU tiếp tục khó khăn thì ngành dệt may có hướng đến những thị trường khác không?

Ông Lê Tiến Trường: Hiện Dệt may Việt Nam đang phủ sóng đến trên 40 quốc gia (nếu tính EU là 1 quốc gia). Dù vậy, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến 179 nước trên thế giới, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản là hai thị trường đứng thứ 4, Trung Quốc là thị trường đứng thứ 5 cũng đã bị ảnh hưởng bởi dịch này.

Khi tổng cầu chung xuống (với các thị trường: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của ngành trong một năm và cũng là những thị trường lớn nhất của thế giới) thì sẽ rất khó để có thể tìm kiếm thị trường đủ sức bù lại quy mô cực lớn này.

Từng doanh nghiệp có thể tìm thị trường ngách đơn lẻ, các quốc gia nhỏ bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng xét trên phạm vi cả ngành thì rất khó để tìm được thị trường lớn vì việc này cũng không khả thi.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục