Địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng thực tế hơn?

Nếu một trật tự mới ổn định ở Trung Đông hình thành, các mối liên kết trong khu vực không những phải thể hiện khả năng áp đặt giới hạn với các đối thủ mà còn phải có biện pháp thúc đẩy quyền lực mềm.
Địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng thực tế hơn? ảnh 1Một phiên họp của Liên đoàn Arab. (Ảnh minh họa. Nguồn: egypttoday.com)

Theo trang mạng thenationalnews.com, trong những năm 1950 và 1960, thế giới Arab bị chi phối bởi cái được gọi là “các trục chính trị”, trong đó động lực khu vực được thúc đẩy bởi sự kình địch giữa các liên kết quốc gia khác nhau.

Khi cái gọi là “hòa bình kiểu Mỹ” ở Trung Đông kết thúc, lịch sử đang có xu hướng lặp lại, và kết quả cuối cùng có thể là điều mà các nước Arab mong muốn.

Về cơ bản, có thể điểm ra 3 mối liên kết rõ ràng tại Trung Đông, từ các hiệp ước quân sự chính thức đến những hợp tác lỏng lẻo hơn - điều đang diễn ra giữa các quốc gia Arab ngày nay.

Đó là tam giác quan hệ Saudi Arabia-Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - Ai Cập với một bình diện mới khi một số quốc gia vùng Vịnh đạt được thỏa thuận với Israel thông qua Hiệp định Abraham; là những gì diễn ra giữa các quốc gia và tổ chức do Iran lãnh đạo như Iran, Syria, ở một mức độ nào đó là Iraq, Hezbollah ở Liban, Houthis ở Yemen và thậm chí là Hamas ở Palestine; và là liên kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, với tiềm năng chuyển biến tích cực sau sự hòa giải giữa các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Qatar hồi tuần trước.

Những mối quan hệ này không phải là sự lặp lại của các trục chính trị trong quá khứ. Trước hết, những liên kết kể trên liên quan đến 3 quốc gia ngoài Arab - gồm Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trên chính trường Arab.

Hơn thế nữa, những mối liên kết ngày nay cũng không còn chặt chẽ như giai đoạn những năm 1950 và 1960, khi các liên minh trong thế giới Arab gắn liền với sự chia rẽ về ý thức hệ giữa Mỹ và Liên Xô.

[Cục diện Trung Đông dưới góc nhìn của truyền thông Israel]

Động lực chính của các mối quan hệ ngày nay là những tính toán linh hoạt và bài bản trong bối cảnh khu vực có nhiều khoảng trống mà Mỹ để lại, điều mà quốc gia nào cũng muốn thế chân.

Trên thực tế, các quốc gia không còn phải “ra vẻ” tuân thủ các nguyên tắc quy mô hơn để biện minh cho hành động của mình mà sẵn sàng và mạnh dạn giương cao lá cờ lợi ích quốc gia, một yếu tố có thể lý giải cho những chính sách đột ngột thay đổi.

Điều này có thể dễ dàng thấy được tại Iran cũng như nhiều quốc gia khác dù giới lãnh đạo ở Tehran luôn nổi bật với việc vận dụng tôn giáo làm lá chắn cho mình.

Tất nhiên, Iran không đơn độc trong hành trình theo đuổi tham vọng quyền lực. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những toan tính tương tự với kế hoạch hồi sinh đế chế Ottoman vĩ đại từng thống trị lục địa Á-Âu.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là người hiểu rõ những động lực này. Ông kỳ vọng rằng các quốc gia trong khu vực sẽ giúp chính quyền của ông thiết lập một trật tự mới ở Trung Đông, từ đó tạo cơ hội để Washington rút dần các lực lượng quân sự khỏi khu vực.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Jeffrey Goldberg của tờ The Atlantic vào năm 2016, Obama nói: “Cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran đòi hỏi chúng tôi phải nói với cả đối tác và Iran rằng họ cần phải tìm cách cùng chung sống và thúc đẩy một hình thức hòa bình nào đó.”

Vấn đề nằm ở chỗ nỗ lực của Obama nhằm tạo dựng cho Iran một vị trí nào đó trong khu vực thông qua thỏa thuận hạt nhân vô hình chung đã khiến mối lo ngại của các quốc gia Arab tăng lên, thay vì giảm bớt. Dù vậy, ông vẫn đúng khi cho rằng việc thu hẹp sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông có thể sẽ đem đến những ổn định trong bối cảnh một trật tự khu vực mới được thiết lập.

Đó là lý do tại sao một trục chính trị mới, căn cứ trên nền tảng những giới hạn quyền lực nhất định, một ngày nào đó có thể sẽ thực sự đem đến một giải pháp đảm bảo ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ không sớm xảy ra, bởi các nhân tố chính trong khu vực vẫn đang thử nghiệm xem họ có thể thúc đẩy tham vọng được bao xa, dù những thất bại chắc chắn sẽ khiến họ phải xem xét lại các tính toán của mình.

Nếu một trật tự mới ổn định ở Trung Đông hình thành, các mối liên kết trong khu vực không những phải thể hiện khả năng áp đặt giới hạn với các đối thủ mà còn phải có những biện pháp thúc đẩy quyền lực mềm để tăng cường sức hấp dẫn.

Tại một khu vực được vũ trang “tới tận răng” như Trung Đông, thuyết phục và thu hút chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đe dọa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục