Địa phương Viêt Nam-Lào sơ kết 5 năm kết nghĩa

Ngày 29/5, tỉnh Quảng Trị tổ chức sơ kết 5 năm kết nghĩa bản-bản đối diện hai bên biên giới giữa Quảng Trị với Savannakhet, Salavan.
Ngày 29/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm kết nghĩa bản-bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).

Tham dự có đại diện Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Lào; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ủy ban Biên giới quốc gia; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet và Salavan, cùng đại diện 23 cặp bản-bản kết nghĩa của tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet và Salavan.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tổ chức kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan, vai trò tham mưu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị và Lực lượng bảo vệ biên giới (Lào); phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân hai bên biên giới; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam-Lào.

Tỉnh Quảng Trị có tuyến đường biên giới trên đất liền giáp với hai tỉnh của nước bạn Lào là Savannakhet và Salavan với tổng chiều dài 206km, thuộc địa phận của 2 huyện Hướng Hoá và Đakrông tiếp giáp với huyện Sê Pôn, Mường Noòng (Savannakhet) và huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan). Khu vực biên giới này có địa hình chủ yếu là rừng núi phức tạp, nhiều sông suối chia cắt, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh Savanakhet và Salavan đã có những chính sách, những chương trình hợp tác song phương để hợp tác cùng nhau trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới của mỗi bên. Nhiều dự án, khu kinh tế đã được mở, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi biên giới.

Từ kết quả của “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản khu vực biên giới” được thực hiện từ năm 2002, với 58/58 thôn, bản giáp biên giới ký kết, năm 2005, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo hai tỉnh Savannakhet và Salavan đã thống nhất phát động phong trào, tổ chức việc ký kết nghĩa bản-bản đối diện hai bên biên giới.

Tháng 4/2005, cặp bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá) và bản Đen Sa Vẳn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) là cặp bản đầu tiên trên tuyến biên giới được tổ chức ký kết nghĩa điểm, để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng trên toàn tuyến. Từ cặp bản kết nghĩa điểm này, đến tháng 9/2010, trên toàn tuyến biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet và Salavan đã có toàn bộ 23/23 cặp bản-bản đối diện tổ chức kết nghĩa.

Sau hơn 5 năm thực hiện kết nghĩa bản-bản đối diện hai bên biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, góp phần mang củng cố, phát triển bền vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt.

Việc tổ chức kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới đã từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào và các dân tộc sống hai bên biên giới về ý thức quốc gia, quốc giới và trách nhiệm của người dân đối với chủ quyền an ninh biên giới. Qua đó, đồng bào tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy chế kết nghĩa đã được cam kết, quy chế biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào. Trên cơ sở đó, người dân trong các cặp bản đã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của mỗi bên. Việc kết nghĩa này cũng khơi dậy được truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào; tình cảm gắn bó, đoàn kết, hữu nghị ngày càng được củng cố và phát triển.

Kết quả phong trào này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân hai bên biên giới, đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, mô hình kết nghĩa bản-bản đối diện đang được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân rộng và xây dựng trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam với các nước, trước mắt tập trung xây dựng tại các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Lào./.

Dương Vương Lợi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục