Dịch COVID-19 'bào mòn' tài sản thế chấp: Lao đao vì mua xe trả góp

Không chỉ người vay mua xe trả góp, nhiều trường hợp vay có thế chấp tài sản khác, nhất là vay mua nhà trả góp, cũng trong tình trạng lao đao, có nguy cơ mất luôn tài sản thế chấp do dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 'bào mòn' tài sản thế chấp: Lao đao vì mua xe trả góp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng cá nhân, tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế-xã hội, thu nhập của hàng trăm ngàn lao động bị giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này đã gián tiếp tác động đến những khách hàng vay tiền mua nhà, mua xe trả góp.

Nhiều người trong số đó như đang “ngồi trên đống lửa” khi không biết kiếm tiền ở đâu để trả nợ ngân hàng. Còn các ngân hàng cũng đang lo ngại nợ xấu gia tăng, phải “chật vật” thanh lý tài sản thế chấp để xử lý nợ.

Tài xế taxi công nghệ là một trong những ngành nghề xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh khá muộn, nhưng lại rất thành công, nhất là khi các ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, Uber chính thức ra mắt và tham gia vào thị trường vận tải tại Việt Nam vào năm 2014.

Nhờ nhiều người chuộng hơn so với taxi truyền thống nên taxi công nghệ nhanh chóng thành công và cũng từ việc dễ kiếm tiền nên nhiều người đã mua xe, thậm chí bỏ nghề để vay tiền mua ô tô tìm cơ hội chủ động hơn trong cuộc sống. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến mọi kế hoạch của họ trở nên bị đảo lộn.

Vay tiền mua xe, tài xế taxi lao đao

Qua khảo sát nhiều đồng nghiệp đi trước, anh Mã Quý Thuận, ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã bàn bạc với gia đình mua xe trả góp để chủ động được thời gian để chăm sóc gia đình, con cái và cũng là nghề kiếm được tiền.

Được họ hàng hỗ trợ, anh Thuận chọn mua chiếc xe Honda City trị giá hơn 570 triệu đồng; trong đó, số tiền trả trước hơn 130 triệu đồng (tương đương với 30%), còn lại hơn 440 triệu đồng (tương đương với 70%) vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và dự tính trả trong 7 năm.

“Mọi chuyện đang diễn biến tốt đẹp thì COVID-19 xuất hiện, khiến toàn bộ hoạt động vận tải gần như dừng lại, đỉnh điểm là thời gian giãn cách xã hội xe phải 'nằm nhà' làm mọi sinh hoạt trong nhà đều đảo lộn. Khi dịch đã được kiểm soát, lượng khách đi xe cũng giảm rõ rệt. Nhiều năm làm nghề, lần đầu tiên mình mới rơi vào hoàn cảnh này, thu nhập không có, cuộc sống hàng ngày còn thiếu thốn thì huống chi có tiền để đóng cho ngân hàng," anh Thuận chia sẻ.

Trường hợp của anh Thuận được ngân hàng hỗ trợ năm đầu mua xe, sau đó áp dụng theo lãi suất bình quân theo quy định nên khi dịch bệnh xảy ra, anh Thuận bị “áp lực kép” là xe chạy không ra tiền mà lãi suất lại tăng cao.

Trong thời điểm khó khăn nhất do dịch COVID-19, anh Thuận liên lạc với ngân hàng thì được trả lời chỉ hỗ trợ đối với doanh nghiệp, không hỗ trợ người mua xe. Anh xin hỗ trợ từ đơn vị có ứng dụng gọi xe công nghệ thì được nơi đây thu thập thông tin, động viên chia sẻ khó khăn... nhưng vẫn không giảm phí thu qua app.

Trước tình cảnh không đóng tiền sẽ bị ngân hàng giữ xe, phát mãi, họ hàng cô bác gần xa của anh Thuận mỗi người một ít, cho mượn đủ số tiền để tất toán với ngân hàng… Tuy không còn áp lực trả tiền lãi, tiền gốc hằng tháng với ngân hàng, nhưng với trách nhiệm người mượn tiền, anh Thuận phải cố gắng “cày” để trả nợ, giữ chữ tín với họ hàng. 

Tương tự, anh Văn Hoàng Lâm, tài xế xe công nghệ sống tại quận Bình Thạnh, cũng đang vất vả xoay tiền trả cho ngân hàng trong những tháng ngày dịch bệnh kéo dài.

Anh Lâm cho biết từ đầu năm đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có những lúc phải tạm ngừng hoạt động khiến cho cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn.

“Dù không còn là điểm đỉnh của dịch bệnh nhưng lượng khách bây giờ chỉ còn khoảng 30-40% so với trước đây. Có ngày ra xe quanh quẩn được 2 hoặc 3 chuyến không đủ để đổ xăng. Sắp tới tôi chưa biết kiếm đâu ra tiền để trả góp ngân hàng," anh Lâm chia sẻ.

Cuối năm 2018, anh Lâm vay 70% giá trị xe từ Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và trả góp bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng, trong khoảng thời gian 8 năm.

Anh Lâm cho biết ban đầu chạy xe có có thu nhập ổn định, mỗi tháng từ 15-18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh từ đầu năm 2020 khiến thu nhập giảm sút trầm trọng. Thêm vào đó, hàng chục loại chi phí như phí đăng kiểm, phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự... chồng chất.

"Tôi mong ngân hàng giảm lãi suất hoặc giảm mức tiền đóng hàng tháng, kéo giãn thời gian trả góp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện tôi không biết chạy vạy, vay mượn ở đâu để trang trải," anh Lâm chia sẻ.

Nguy cơ mất “cả chì lẫn chài”

Năm 2018, anh Nguyễn Minh Thanh (ngụ ở huyện Bình Chánh) gom góp được khoảng 150 triệu đồng nên quyết định vay Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB) mua chiếc Chevrolet (4 chỗ) trị giá khoảng 500 triệu đồng. Mỗi tháng, anh Thanh phải trả tiền “chết” (gồm tiền gốc và lãi) cho ngân hàng bình quân khoảng 8,5 triệu đồng.

Anh Thanh cho biết theo quy định, tài xế taxi công nghệ hiện phải đóng chi phí 25-26% trên mỗi cuốc xe cho doanh nghiệp có ứng dụng gọi xe công nghệ, đồng thời phải trả chi phí đỗ xăng, dầu, thuế, hợp tác xã, bảo hiểm xe, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng… Do đó, mỗi ngày tài xế taxi công nghệ phải chạy được hơn 1 triệu đồng mới đủ chi phí trả nợ ngân hàng, đảm bảo cái ăn, cái mặc cho gia đình và 2 con nhỏ.

[''Ngấm đòn'' COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ''bóng đen'' nợ xấu]

Gồng gánh được gần 2 năm, dịch bệnh COVID-19 khiến thu nhập giảm sút, gia đình anh Thanh quyết định bán chiếc xe rồi gom góp tiền một lần nữa để thanh lý hợp đồng với ngân hàng trước thời hạn.

“Số tiền đầu tư và trả góp hơn 200 triệu đồng, nhưng sau khi bán xe và tất toán với ngân hàng thì chỉ còn lại 50 triệu đồng…," anh Thanh chia sẻ.

Không chỉ tài xế taxi công nghệ, anh Nguyễn Ngọc Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) cách đây hơn một năm có đầu tư mua chiếc xe 7 chỗ Toyota Innova gần 900 triệu đồng để chạy taxi truyền thống (doanh nghiệp trong nước), trong đó 750 triệu đồng là tiền vay ngân hàng từ tài sản thế chấp là chiếc xe đã mua để chạy taxi; số tiền còn lại gia đình tự xoay sở tích góp.

Trung bình mỗi ngày chạy có khách, anh Sơn kiếm được từ 1-1,3 triệu đồng, có khi được 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ hết tất cả các chi phí, chiết khấu, mỗi tháng anh cũng dư được trên 25 triệu đồng, trả tiền ngân hàng 12 triệu đồng/tháng, còn lại chi phí tiền xăng xe, tiền càphê, ăn uống gia đình 3 người tạm ổn.

Theo anh Sơn, dịch COVID-19 hơn nửa năm qua khiến người dân hạn chế ra đường, nhu cầu đi lại của khách ngày càng ít. Anh chạy từ sáng tới chiều kiếm được vài trăm nghìn đồng, không đủ tiền để chi phí sinh hoạt hằng ngày, trang trải sống. Áp lực trả ngân hàng ngày càng lớn nên anh muốn bán chiếc xe taxi để trả nợ.

Dịch bệnh khiến khách ít, thu nhập bị tuột dốc, nhiều tài xế taxi vay tiền ngân hàng mua xe giờ đây phải mượn tiền của họ hàng, bà con để tất toán với ngân hàng trước thời hạn. Với các tài xế, đó còn là may mắn, dù bị phạt 4% nhưng họ vẫn giữ lại được chiếc xe để làm "cần câu cơm" hằng ngày và không phải lo lãi suất, đặc biệt là không phải áp lực tiền trả hằng tháng.

Theo một số tài xế, trong tình cảnh không mượn được tiền thì họ tranh thủ bán tháo xe để trả cho ngân hàng, thà chịu lỗ vẫn tốt hơn để ngân hàng thanh lý xe. Có những trường hợp sau thời gian trả góp, bị thanh lý, tài xế taxi công nghệ còn bị “âm," tức là vẫn thiếu nợ ngân hàng. Bài toán mua xe trả góp đang tính đúng hướng bổng dưng thành lợi bất cập hại do dịch COVID-19.

Không chỉ riêng những người vay mua xe trả góp, nhiều trường hợp vay có thế chấp tài sản khác, nhất là vay mua nhà trả góp, cũng trong tình trạng lao đao, có nguy cơ mất luôn tài sản thế chấp do dịch COVID-19.

Giữa năm 2019, anh Nguyễn Văn Đức, ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh tích cóp được một khoản tiền kha khá. Suy đi tính lại, anh quyết định mua đất ở Củ Chi với giá trên 1,8 tỷ đồng để đầu tư, cũng là hy vọng có miếng đất “cắm dùi” về sau. Trong số đó, 800 triệu đồng là khoản tiền tiết kiệm và vay thêm từ người nhà, còn lại 1 tỷ đồng anh Đức quyết định vay tại một ngân hàng thương mại trong vòng 20 năm. Số tiền trả lãi và gốc khoản vay này khoảng 11-12 triệu đồng/tháng.

Trước đây, tổng thu nhập của anh trung bình khoảng 25 triệu đồng/tháng, tuy nhiên dịch COVID-19 ập đến, thu nhập chính của anh từ nghề tổ chức sự kiện bị ảnh hưởng mạnh.

“Tình hình kinh tế khó khăn, các công ty cũng hạn chế tổ chức các hoạt động marketing, sự kiện... nên thu nhập bị giảm tới 50%. Ngay từ tháng Tư, tôi đã phải đăng tin rao bán đất nhưng để bán được trong thời điểm này cũng không phải dễ. Nếu tình hình này còn kéo dài, tôi không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Để ngân hàng phát mãi, chắc khoản tiền tiết kiệm bấy lâu nay cũng trở thành số 0…," anh Đức lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục