Dịch COVID-19: Hơn 935.000 bệnh nhân trên thế giới được điều trị khỏi

Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với tổng số người mắc là 3.086.832 ca, trong đó, số bệnh nhân bình phục là 935.108 người.
Nhân viên y tế tạm biệt các bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện sau khi khỏi bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc. (THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tạm biệt các bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện sau khi khỏi bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc. (THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 28/4 giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.086.832 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 212.665 ca tử vong.

Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân bình phục là 935.108 người.

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch với 1.012.147 ca nhiễm và 56.933 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 232.128 ca nhiễm và 23.882 ca tử vong, Italy với 199.414 ca nhiễm và 26.977 ca tử vong, Pháp với 165.842 ca nhiễm và 23.293 ca tử vong, Đức với 158.768 ca nhiễm và 6.136 ca tử vong.

Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết cơ quan này đã mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.

Tại châu Âu, sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về “Lộ trình Dỡ bỏ lệnh phong tỏa” tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần trước, một số nước thành viên đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế.

Tại Thụy Sĩ, sau 6 tuần đóng cửa, từ ngày 27/4, các cửa hiệu làm đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách.

Tiếp đó, các trường học và cửa hàng (không bao gồm nhà hàng) sẽ được phép mở cửa từ ngày 11/5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8/6.

[Dịch COVID-19 ngày 28/4: Châu Á đề cao cảnh giác trước kỳ nghỉ lễ]

Tại Pháp, từ ngày 11/5, phần lớn hoạt động thương mại có thể được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, Bruno Le Maire (Bru-nô Lơ Me) cảnh báo mọi sự “hấp tấp” sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Tại Bỉ, chính phủ thông báo từ ngày 11/5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại.

Từ ngày 18/5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại. Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết việc mở cửa trường học sẽ chỉ bắt đầu vào tháng Chín. Từ ngày 4/5, các công viên sẽ được mở cửa trở lại, người dân cũng sẽ được đi thăm, gặp gỡ người thân, được phép tụ tập nhưng với số lượng hạn chế và phải giữ khoảng cách an toàn.

Tại Séc, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek nêu rõ kể từ ngày 27/4, công dân châu Âu có thể tới nước này và lưu trú tại đây nhưng không được quá 3 ngày.

Tại Đức, Berlin đã trở thành bang cuối cùng của nước này yêu cầu người đi mua sắm bắt buộc phải đeo khẩu trang kể từ ngày 29/4.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 6.411 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc COVID cao kỷ lục.

Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại Nga là 93.558, trong đó có 867 người đã tử vong. Nga hiện đứng thứ 8 thế giới về số người mắc COVID-19.

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa trong 3 ngày tại 31 tỉnh kể từ ngày 1/5 trong nỗ ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo tính tới 10h ngày 28/4 (giờ địa phương) nước này ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 10.752 ca và 244 ca.

Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc ở mức từ 15 ca trở xuống. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho rằng đã đến lúc xem xét cho học sinh trở lại trường học trong bối cảnh nước này chuyển phương thức phòng dịch sang giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường kể từ ngày 6/5 tới, trong đó ưu tiên cho mở lại trường lớp trước đối với các học sinh lớp 9 và lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lên cấp và đại học.

Tại Campuchia, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn được coi là ở mức độ “đáng báo động,” dù tính đến ngày 28/4 đã bước sang ngày thứ 16 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Giới chức y tế Campuchia cho rằng nước này vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục