Dịch COVID-19: Indonesia đang trở thành tâm dịch của châu Á

Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta.
Dịch COVID-19: Indonesia đang trở thành tâm dịch của châu Á ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h ngày 26/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 194.796.457 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.174.644 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 176.746.538 người.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 420.703 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Indonesia (38.679 ca), tiếp theo là Ấn Độ (38.153 ca), Anh (29.173 ca), Iran (27.146 ca), Nga (24.072 ca), Brazil (18.129 ca), Malaysia (17.045 ca), Mexico (15.823 ca), Thái Lan (15.335 ca), Pháp (15.242 ca)... Mỹ - quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới, trong 24 giờ qua ghi nhận 13.818 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.199.465 ca, trong đó có 626.762 ca tử vong.

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã tăng 3%, trong đó khu vực Bắc Mỹ tăng 34%, châu Âu tăng 6%, châu Á tăng 4%, châu Đại dương tăng 3%. Trong khi đó, châu Phi giảm 16%, còn Nam Mỹ giảm 14%. 

Tại Đông Nam Á, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta.

Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể."

Trong bối cảnh đó, Indonesia quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ 4 đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) từ ngày 26/7-2/8/2021 với một số điều chỉnh quy định liên quan đến các hoạt động cộng đồng và đi lại để đảm bảo phòng dịch và duy trì hoạt động kinh tế, động lực xã hội của cộng đồng.

Trong ngày 26/7, Hạ viện Pháp đã thông qua dự thảo luật nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát do sự lây lan của biến thể Delta, trong đó có nội dung bắt buộc đội ngũ nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và yêu cầu những người muốn thăm quan các địa điểm du lịch và tụ điểm giải trí cần trình chứng nhận đã tiêm chủng vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đây là dự luật được chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy, trong đó lấy tiêm chủng là "vũ khí" hàng đầu chống dịch COVID-19. Dự thảo luật này cần được cơ quan điều hành cao nhất của Pháp là Hội đồng Hiến pháp thông qua để trở thành luật chính thức. Các nội dung trong dự luật dự kiến có hiệu lực đến hết ngày 15/11/2021.

Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa tối 25/7 đã hạ mức cảnh báo phong tỏa toàn quốc xuống cấp độ 3, đồng nghĩa với việc nới lỏng giờ giới nghiêm buổi tối, đồ uống có cồn được phép bán trở lại, các cuộc tụ tập có thể diễn ra và người dân có thể đi lại liên tỉnh vì mục đích giải trí.

[Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội ở ngoài khu vực Seoul]

Tổng thống Nam Phi cho biết giờ giới nghiêm buổi tối sẽ từ 22h00 đến 4h00 sáng hôm sau thay vì 21h00 như ở cấp độ 4. Theo đó, những cơ sở không thiết yếu, gồm nhà hàng, quán rượu, quán bar và trung tâm thể dục, có thể mở cửa, nhưng phải đóng cửa trước 21h00 để nhân viên và khách hàng có thời gian về nhà đúng giờ.

Các cuộc tụ tập đông người cũng đã được phép tổ chức, nhưng giới hạn tối đa 50 người cho các sự kiện trong nhà và 100 người cho các sự kiện ngoài trời. Ngay cả việc tổ chức đám tang cũng giới hạn trong 50 người tham dự

Các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được được bán cho khách hàng mang về từ 10h00 đến 18h00, từ thứ Hai đến thứ Năm. Trong khi đó, việc phục vụ khách hàng tại chỗ dựa trên "những điều kiện trong giấy phép kinh doanh" và phải kết thúc trước 20h00. Các trường học trên toàn quốc cũng mở lại đón học sinh từ 26/7.

Nam Phi đã có 9.718 trường hợp mắc COVID-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong số đó, 287 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 mới được ghi nhận cùng thời gian, nâng tổng số người chết do dịch bệnh trên toàn quốc đến nay là 69.775./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục