Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 26/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 43.323.390 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.158.807 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 31.897.086 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 230.510 trường hợp tử vong trong tổng số 8.889.179 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 119.030 ca tử vong trên 7.909.049 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 157.163 ca tử vong trong số 5.394.128 bệnh nhân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 390.870 ca tử vong trong tổng số 10.897.051 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 261.395 ca tử vong trên 8.685.099 ca mắc bệnh.
Châu Á có 165.627 ca tử vong trong số 10.153.519 ca mắc COVID-19; Trung Đông có hơn 56.245 ca tử vong; châu Phi có hơn 41.100 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là hơn 1.000 người.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 103 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 93 người).
Tại châu Mỹ, hai tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario và Quebec đã phải chứng kiến những dấu mốc không mong muốn trong ngày 25/10: số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Ontario lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 người, trong khi tổng số ca mắc tại Quebec vượt 100.000 người.
Trong vòng 24 giờ Ontario đã ghi nhận thêm 1.042 ca mắc mới, vượt con số kỷ lục 978 ca ghi nhận hôm 24/10. Trong khi đó, với 879 ca mắc mới, số người mắc COVID-19 ở Quebec đã lên tới 100.114 người.
Kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Canada được thông báo hồi tháng 3/2020, quốc gia Bắc Mỹ này hiện đã ghi nhận trên 213.000 ca mắc, trong đó gần 10.000 ca tử vong. Đáng lo ngại, số ca mắc COVID-19 với triệu chứng nặng ở nước này có xu hướng gia tăng.
Trong thời gian từ ngày 16-22/10, trung bình mỗi ngày có 1.010 người phải điều trị tại bệnh viện, và 209 người trong số này phải nằm ở khu điều trị tích cực.
[Dịch COVID-19: WHO cảnh báo hệ thống y tế thế giới có thể quá tải]
Tại tâm dịch của châu Á, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương Ấn Độ - RBI) Shaktikanta Das xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước ông Das, nhiều chính trị gia hàng đầu của Ấn Độ, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah đã mắc COVID-19 và đã bình phục.
Tại Đông Nam Á, Quốc vương Malaysia Abdullah đã bác yêu cầu của Thủ tướng Muhyiddin Yassin về tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 bởi theo ông hiện nay chưa cần thiết tuyên bố lệnh này.
Tuyên bố của Hoàng gia Malaysia nêu rõ Quốc vương Abdullah tin tưởng khả năng của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách và những nỗ lực kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc tại Berlin (Đức) với chủ đề trọng tâm thảo luận là đại dịch COVID-19. Do tình hình dịch bệnh, hội nghị vốn được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Berlin trong năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc sự kiện này, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống lại đại dịch. Ông nhấn mạnh "không ai an toàn trước COVID-19 cho tới khi tất cả đều an toàn," theo đó ông kêu gọi thế giới vượt qua đại dịch bằng tinh thần hợp tác.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.
Liên quan công tác bào chếc vắcxin, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố kể từ ngày 1/11, Israel sẽ bắt đầu các hoạt động thử nghiệm trên người đối với loại vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng do một viện nghiên cứu được bộ này giám sát phát triển sau khi nhận được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) đã bắt đầu thử nghiệm vaccine “BriLife” trên động vật từ hồi tháng Ba. Bộ Y tế Israel và một ủy ban giám sát của bộ này hiện đã bật đèn xanh cho IIRB bước sang giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
Vắcxin BriLife đã thử nghiệm thành công trên một số loại động vật và IIRB đã sản xuất được hơn 25.000 liều dành cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất và thứ hai./.