Dịch COVID-19: Mỹ xác nhận ca nhiễm đầu tiên ở động vật hoang dã

Phát hiện này làm gia tăng quan ngại về sự bùng phát dịch COVID-19 ở loài chồn, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 khiến Mỹ đã phải tiêu hủy hơn 15.000 chồn nuôi kể từ tháng 8 vừa qua.
Dịch COVID-19: Mỹ xác nhận ca nhiễm đầu tiên ở động vật hoang dã ảnh 1Mỹ xác nhận một con chồn hoang dã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 14/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo đã xác nhận trường hợp động vật hoang dã đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một con chồn nâu.

Phát hiện này làm gia tăng quan ngại về sự bùng phát dịch COVID-19 ở loài chồn, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 khiến Mỹ đã phải tiêu hủy hơn 15.000 chồn nuôi kể từ tháng 8 vừa qua. 

Trong một thông báo, USDA cho biết trường hợp chồn hoang dã nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận ở bang Utah trong khuôn khổ hoạt động giám sát động vật hoang dã xung quanh các trang trại phát hiện chồn nuôi nhiễm virus.

[Đan Mạch phát hiện thêm trang trại nuôi chồn nhiễm virus SARS-CoV-2]

USDA nêu rõ đây là trường hợp động vật hoang dã đầu tiên được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Virus này cũng đã xuất hiện ở hổ nuôi trong sở thú cũng như chó, mèo nuôi tại các hộ gia đình.

USDA cho biết thêm cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở một số động vật hoang dã khác và kết quả đều âm tính.

Bộ này nhấn mạnh không có bằng chứng virus này lây lan rộng ở các loài động vật hoang dã sống gần các trang trại phát hiện chồn nuôi nhiễm virus, đồng thời cho biết đã thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về trường hợp chồn hoang dã nhiễm virus nói trên.  

Hiện giới chức y tế toàn cầu đang điều tra khả năng động vật truyền virus SARS-CoV-2 sang người, sau khi Đan Mạch triển khai kế hoạch tiêu hủy 17 triệu chồn nuôi tại các trang trại ở nước này tháng trước và cảnh báo một chủng virus SARS-CoV-2 biến thể có thể lây sang người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục