Dịch COVID-19 sáng 7/5: Thế giới ghi nhận trên 6,2 triệu ca tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 497.045 ca mắc COVID-19 và 1.946 ca tử vong, giảm so với 593.423 ca mắc và 2.583 ca tử vong ghi nhận một ngày trước đó.
Dịch COVID-19 sáng 7/5: Thế giới ghi nhận trên 6,2 triệu ca tử vong ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tel Aviv, Israel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 7/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 516.370.803 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.274.303 ca tử vong.

Số bệnh nhân đã bình phục là 471.090.492 người, trong khi vẫn còn 40.274 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 497.045 ca mắc COVID-19 và 1.946 ca tử vong, giảm so với 593.423 ca mắc và 2.583 ca tử vong ghi nhận một ngày trước đó. Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 86.026 ca, trong khi Mỹ ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất thế giới, với 291 ca.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nề nhất trên thế giới, với 83.534.060 ca mắc và 1.024.386 ca tử vong.

Nhìn chung, dịch bệnh có xu hướng giảm trên toàn thế giới. Theo giới chức Canada, có những chỉ dấu cho thấy sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã giảm tại nhiều khu vực của nước này. Người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, khẳng định dù virus SARS-CoV-2 vẫn hiện hữu, nhưng các chỉ dấu, trong đó số ca có kết quả xét nghiệm dương tính, cho thấy sự lây lan của dịch bệnh đang giảm dần tại nhiều khu vực.

Dữ liệu phân tích nước thải cũng cho thấy xu hướng giảm rõ rệt tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế chủ đạo và virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng đột biến, nên chặng đường phía trước có thể sẽ không suôn sẻ.

Để có thể tiếp tục kiểm soát tốt bệnh dịch, Bộ Y tế Peru cho biết nước này sẽ triển khai chương trình tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người từ 50 tuổi trở lên nhằm tăng cường khả năng miễn dịch.

[COVID-19 cướp đi sinh mạng của 14,9 triệu người trong năm 2020-2021]

Các đối tượng được tiêm mũi thứ tư có thể là công dân Peru hoặc người nước ngoài đang sinh sống ở nước này và đã được tiêm mũi vaccine thứ ba cách đây ít nhất là 5 tháng. Đến nay, cơ quan y tế Peru mới chỉ cấp phép tiêm mũi vaccine thứ tư cho những người trên 70 tuổi, nhân viên y tế hoặc những người suy giảm hệ miễn dịch.

Theo Bộ Y tế Peru, quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng quốc gia sau khi tham khảo những chương trình tương tự ở một số nước trên thế giới.

Biện pháp này được thông báo một ngày sau khi bộ trên xác nhận quốc gia Nam Mỹ vừa phát hiện ra một dòng mới của biến thể Omicron, vốn không có đột biến mới hoặc khác với những biến thể trước đó và được đặt tên là BA.1.22.

Dòng mới của biến thể Omicron được xác định ở tỉnh miền Nam Tacna và đã lây lan ra nhiều vùng khác nhau, bao gồm cả thủ đô Lima.

Đến nay, Peru đã tiêm hơn 72 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó có 16,3 triệu người - tương đương 57,1% dân số - đã tiêm 3 mũi vaccine. Peru, đang đứng ở vị trí thứ ba trong số các quốc gia Mỹ Latinh có tỷ lệ người dân tiêm đủ liều cơ bản vaccine.

Giới chức Colombia cũng thông báo bắt đầu nhận đăng ký tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 50 tuổi. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế và Bảo vệ xã hội khẳng định tầm quan trọng của mũi tiêm này trong bảo vệ kinh tế và mạng sống của người dân.

Theo nhà chức trách Colombia, việc tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 sẽ được thực hiện đối với những người trên 50 tuổi, đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất cách đó 4 tháng.

Tính đến nay, 83% dân số Colombia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi 70% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục