Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh gần như bị xóa sổ, dịch bạch hầu đã xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp và lây lan với tốc độ rất nhanh ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh/thành phố có diễn biến phức tạp; đã có những báo cáo về ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm tại Hà Nội, Đắk Lắk... Một trong những nguyên nhân bùng phát các bệnh truyền nhiễm là tỷ lệ tiêm chủng giảm.
Báo cáo Tiêm chủng Toàn cầu vừa được WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine định kỳ trên thế giới vẫn chưa thể phục hồi dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Thậm chí, tỷ lệ tiêm phòng định kỳ ghi nhận sự sụt giảm đáng lo ngại.
Tốc độ tiêm chủng cho trẻ em toàn cầu năm 2023 tiếp tục bị đình trệ, khiến hơn 2,7 triệu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng dưới mức so với trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019.
Dữ liệu năm 2023 chỉ ra rằng khoảng 84% trẻ em (tương đương 108 triệu người) đã được tiêm ba liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3), loại vaccine được sử dụng làm chỉ số đánh giá tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu.
Số trẻ em không được tiêm một liều vaccine nào đã tăng lên 14,5 triệu, trong khi 6,5 triệu trẻ chưa hoàn thành việc tiêm liều thứ ba. So với năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng hầu như không tiến bộ, thậm chí thụt lùi so với năm 2019 (khoảng 86%).
Những con số đáng lo ngại này cho thấy sự chệch hướng với mục tiêu đạt tỷ lệ “phủ sóng” vaccine 90% ở trẻ em và thanh thiếu niên theo Chương trình Tiêm chủng Toàn cầu đến năm 2030 (IA2030).
Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ tiêm vaccine DTP3 năm ngoái chỉ đạt 87%, giảm so với mức 91% của năm trước đó. Có 44% số quốc gia trong khu vực đạt được tỷ lệ tiêm vaccine ít nhất 90%. Theo báo cáo, tỷ lệ tiêm vaccine DTP3 tại Việt Nam năm 2023 là 65%, thấp hơn so với mức 91% của năm 2022.
WHO và UNICEF cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tình hình tiêm vaccine phòng sởi, căn bệnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trong bối cảnh bệnh này có nguy cơ bùng phát tại một số khu vực trên thế giới.
Ước tính chỉ riêng năm 2023 đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc bệnh sởi, gấp 3 lần năm trước đó. Toàn bộ 103 quốc gia bùng phát dịch sởi trong 5 năm gần đây đều có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi thấp (dưới 80%), trong khi 91 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao không có dịch bệnh bùng phát. Để ngăn chặn dịch bệnh cần tới 95% trẻ được tiêm mũi thứ hai, nhưng con số thực tế mới đạt được là 74%.
Theo WHO, sự gián đoạn trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý do dự về vaccine và tình trạng bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận dịch vụ là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.
Trong khi đó, chuyên gia Brian Keeley cho rằng tỷ lệ tiêm chủng trượt dốc cũng là hệ quả của nhiều cuộc khủng hoảng khác như xung đột, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực hay suy thoái kinh tế.
Tất cả những điều này khiến hệ thống y tế và các quốc gia ngày càng khó đáp ứng nhu cầu tiêm chủng.
Ví dụ như tại Sudan, cuộc chiến bùng phát từ tháng 4/2023 đã khiến số trẻ không được tiêm chủng tăng lên 701.000, từ khoảng 110.000 trẻ em vào năm 2021.
Bất bình đẳng về khả năng tiếp cận vaccine cũng tạo ra nhiều khoảng trống về tiêm chủng, trong bối cảnh an ninh vaccine là nền tảng cho các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Những con số mới nhất được công bố càng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng tốc các nỗ lực để đạt được mục tiêu của IA2030.
Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh: “Việc lấp khoảng trống tiêm chủng đòi hỏi nỗ lực toàn cầu, với các chính phủ, đối tác và các lãnh đạo địa phương đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu và các nhân viên cộng đồng để đảm bảo mỗi trẻ em đều được tiêm vaccine, cũng như ngành y tế nói chung được tăng cường.”
WHO đang phối hợp với UNICEF, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) và quỹ của tỷ phú Bill Gates nhằm khắc phục tình trạng suy giảm tiêm chủng định kỳ cho trẻ em.
GAVI cho biết sẽ tiêm phòng cho 300 triệu trẻ em trong giai đoạn 2021-2025, giúp ngăn ngừa thêm 7-8 triệu ca tử vong.
Tròn 50 năm trước, WHO đã khởi xướng Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Toàn cầu, một dự án y tế cộng đồng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng, hỗ trợ tất cả trẻ em có cơ hội tiêm chủng các loại vaccine quan trọng.
Theo tính toán của WHO, nếu được triển khai toàn diện, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ ngăn ngừa được khoảng 51 triệu ca tử vong và tạo ra 782 tỷ USD lợi nhuận trên toàn cầu trong giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo Tiêm chủng Toàn cầu 2023 của WHO cho thấy thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong lộ trình đạt mục tiêu về tiêm chủng. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi nỗ lực toàn cầu.
Nhiệm vụ đặt ra lúc này là tăng cường trang bị "tấm lá chắn hữu hiệu" cho nhiều trẻ em cũng như lấp khoảng trống "miễn dịch," để thế giới có thể thực hiện cam kết chung trong việc đảm bảo mọi trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ và được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine./.