Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng tại Điện Biên, Cà Mau

Từ tháng 6-7/2019, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu giảm nhưng từ đầu tháng 8-9/2019, dịch lại có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát trở lại.
Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng tại Điện Biên, Cà Mau ảnh 1Tổ chức phun xịt thuốc khử trùng tại các trang trại chăn nuôi. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Theo Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp.

Từ tháng 6-7/2019, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu giảm nhưng từ đầu tháng 8-9/2019, dịch lại có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát trở lại. Tính đến ngày 19/9, toàn tỉnh Điện Biên có 26 xã đã qua 30 ngày không có dịch bệnh nhưng nay lại tái dịch.

Sau hơn 6 tháng xuất hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên (từ ngày 4/3), dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại gần 5.000 hộ chăn nuôi lợn ở hơn 700 thôn bản của 100 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã tiêu hủy gần 20.000 con lợn mắc bệnh, trong đó huyện Điện Biên có số lượng lợn tiêu hủy nhiều nhất với hơn 8.500 con.

Đến ngày 19/9, toàn tỉnh có 36 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh, trong đó 25 xã đã công bố hết dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, qua theo dõi từ đầu tháng 8-9/2019, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé và thành phố Điện Biên Phủ. Nguy cơ dịch tiếp tục lây lan ra các xã chưa có dịch, các xã đã qua 30 ngày hay đã công bố hết dịch là rất cao.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết nguyên nhân tái phát dịch tả lợn châu Phi chủ yếu do việc thực hiện an toàn vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi của người dân còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh do virus gây ra và có khả năng lây lan trên diện rộng, vì mầm bệnh có ở khắp nơi nên dễ lây lan qua rất nhiều con đường, như qua côn trùng, các loài động vật khác và con người..., rất khó kiểm soát.

Để ngăn ngừa dịch bùng phát trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn người dân chăn nuôi lợn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu hộ chăn nuôi không thực hiện nuôi tái đàn khi trên địa bàn xã chưa công bố hết dịch.

Việc nuôi tái đàn tại các xã đã công bố hết dịch không nên thực hiện ồ ạt mà chỉ nuôi với số lượng 10% tổng số lợn có thể nuôi.

[Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường]

Đối với các hộ dân chăn nuôi lợn, Ủy ban Nhân dân các xã cần tăng cường giám sát, không để xảy ra tình trạng bán chạy lợn ốm, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Ngày 20/9, tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu lợn bị bệnh tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Vào ngày 12/9, 4 con lợn nái của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau có biểu hiện nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, thêm 2 con lợn tiếp tục có biểu hiện bỏ ăn. Lần lượt từ ngày 14/9 đến ngày 15/9, có 5 con lợn nái bị chết. Kết quả kiểm nghiệm mẫu lợn bệnh dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Hiện, số lượng lợn này đã được tiêu hủy theo quy định và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch.

Theo thống kê, hiện tổng đàn lợn của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau có hơn 260 con; trong đó, có 22 con lợn đực giống, 42 con lợn nái, 123 con lợn con và 79 con lợn thịt.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 72/97 xã, phường, thị trấn có chăn nuôi lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại đã có hơn 4.600 con lợn bị tiêu hủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục