Địa phương cuối cùng của tỉnh Đắk Nông công bố dịch tả lợn châu Phi

Với việc công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn 2 phường Nghĩa Phú và Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa là địa phương cuối cùng của tỉnh Đắk Nông phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Địa phương cuối cùng của tỉnh Đắk Nông công bố dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Gia Nghĩa cho biết, địa phương vừa công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn 2 phường Nghĩa Phú và Nghĩa Đức. Như vậy, thị xã Gia Nghĩa là địa phương cuối cùng của tỉnh Đắk Nông phát hiện dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, cuối tháng 8/2019, qua xét nghiệm đã phát hiện đàn lợn của một hộ dân tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú bị dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, đầu tháng 9/2019 lại phát hiện thêm 2 ổ dịch tại phường Nghĩa Đức. Các ngành chức năng đã tiêu hủy 60 con lợn phát hiện nhiễm bệnh.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có 204 hộ nuôi lợn phát hiện dịch tả lợn châu Phi thuộc địa bàn 39 xã, phường. Ngành nông nghiệp đã tiêu hủy hơn 3.000 con lợn với khối lượng hơn 200 tấn.

[Cân nhắc việc tái đàn lợn nếu đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học]

Theo đánh giá, chủ yếu lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các hộ gia đình, chưa phát hiện dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 xã không phát hiện thêm ổ dịch mới, nhưng dịch đã lan rộng. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi lợn tiếp tục triển khai các biện pháp như: vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, cẩn trọng trong trao đổi, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn.

Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện tốt "5 không" theo đúng quy định của luật Thú y như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện nay là giữa mùa mưa nên khả năng lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi rất cao, nhất là các địa phương chưa có dịch và các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, chống buôn lậu thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn qua các cửa khẩu và đường mòn biên giới. Tại 2 Cửa khẩu Đắk Pơr và Bu Păng, cán bộ thú y trực 24/24 giờ để tiến hành tiêu độc khử trùng cho phương tiện, trâu, bò, lợn qua lại biên giới. Khi phát hiện sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ tiến hành tiêu hủy ngay để diệt mầm bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục