Trong bối cảnh ngày các nhiều tổ chức truyền thông danh tiếng lựa chọn bỏ phần bình luận của khán giả do những quan ngại về bình luận chọc phá, chi phí duy trì và lo ngại pháp lý, Diễn đàn Biên tập viên Thế giới nhận thấy rằng đa phần các tổ chức tin tức được khảo sát vẫn đang cố gắng duy trì mục bình luận, và một số đã bắt đầu gặt hái được thành quả từ đây.
Hồi giữa tháng 8, kênh phát thanh công cộng của Mỹ là National Public Radio (NPR) đã thông báo sẽ bỏ phần bình luận của khán giả ngay khi Diễn đàn Biên tập viên Thế giới (WEF), mạng lưới kết nối các biên tập viên thuộc WAN-IFRA đang đưa ra kết luận trong nghiên cứu toàn cầu lần thứ hai của mình về cách các tòa soạn quản lý các bình luận trực tuyến.
NPR đã tham gia một danh sách đang được nối dài bao gồm các tổ chức như CNN, The Verge, Toronto Star, Reuters và Popular Science. Họ đã quyết định rằng việc duy trì và quản lý mục bình luận trên trang web của mình đơn giản là không đáng phải nỗ lực. Đó là một tín hiệu khác cho thấy các tổ chức tin tức đang theo chân khán giả của họ tới các nền tảng truyền thông xã hội.
Sự chuyển biến này đánh dấu một trong những thay đổi rõ rệt nhất trong môi trường xuất bản trực tuyến từ sau nghiên cứu đầu tiên của WEF, "Điều tiết bình luận trực tuyến: những cách thức tốt nhất đang nổi lên." Sau ba năm kể từ đó, nguồn lực của các tòa soạn đã phải chịu áp lực lớn hơn, và nhiệt độ trong các cuộc tranh luận trực tuyến đã tăng đáng kể, đặt ra những thách thức thực sự cho các tòa soạn đang tìm cách quản lý những phần bình luận có khả năng phá hoại hình ảnh thương hiệu và phức tạp về mặt pháp lý.
Cũng trong khoảng thời gian này, khán giả ngày càng tăng cường đọc tin tức trên các mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, buộc các tòa soạn phải đưa ra các chiến lược thu hút tương tác cụ thể ở đó, dẫn đến áp lực ngày càng gia tăng với các nguồn lực.
Trong bối cảnh này, nghiên cứu năm 2016 của WEF được thực hiện để cập nhật những cách thức tốt nhất và tìm những ví dụ về các tổ chức tin tức đang thành công trong việc thúc đẩy những cuộc đối thoại mang tính xây dựng với khán giả.
Nghiên cứu này tìm cách xác định liệu việc bỏ phần bình luận trên các trang tin tức có phải là cách tốt nhất để quản lý vấn đề hay không. Trong một thời đại mà sự tương tác là yếu tố quyết định, nghiên cứu đặt câu hỏi về những rủi ro trong việc chuyển giao lượng khán giả khó khăn lắm mới tập hợp được sang các nền tảng mạng xã hội. Với hiệu ứng phá hoại thương hiệu và ẩn chứa nhiều sự độc địa của những bình luận mang tính khích động, nghiên cứu đặt câu hỏi liệu phần bình luận có đáng để các tòa soạn đầu tư vào không, và họ sẽ thu lợi được gì từ đó. Có cách nào để thiết lập một không gian bình luận văn minh và mang tính xây dựng hay không?
Trong hơn 3 tháng, chúng tôi đã thu hút được tổng cộng 78 tổ chức tin tức thuộc 46 quốc gia tham gia hội thảo, phỏng vấn và khảo sát trực tuyến.
Nghiên cứu cho thấy:
- Có bằng chứng chứng minh nhiều tổ chức tin tức tên tuổi đang đóng cửa phần bình luận và chuyển các cuộc nói chuyện lên những nền tảng mạng xã hội như Facebook. Tuy nhiên, 82% số tổ chức được khảo sát vẫn mời độc giả bình luận trên trang web của họ. Hơn một nửa trong số này cho phép bình luận ở mọi bài viết, mặc dù số nhiều đang thực hiện một cách lưỡng lự và không vui với chất lượng bình luận họ nhận được.
- Đóng cửa mục bình luận đang ngày càng là một lựa chọn được cân nhắc do giọng điệu chửi rủa và chất lượng kém của các bình luận, cũng như những lo ngại về chi phí điều tiết, trách nhiệm pháp lý và sự bất cẩn.
- Hầu hết các tổ chức tin tức được khảo sát nói rằng bình luận đóng vai trò quan trọng, "bổ sung ý kiến cho cuộc tranh luận (53%), "cung cấp quan điểm và đầu vào cho những tin bài trong tương lai" (53%), và "khuyến khích đa dạng quan điểm" (47%).
- Trong khi các bài viết nêu quan điểm nhận được nhiều bình luận nhất (23%) và các bài phân tích có phản hồi chất lượng cao nhất (26%), những chủ đề thu hút bình luận kích động lại khác biệt theo từng vùng. Tại châu Âu, đó là chủ đề nhập cư; tại châu Phi là chính trị và sắc tộc; tại Nam Mỹ là chính trị; tại châu Á và Trung Đông là chính trị và tôn giáo; và gần như bất cứ thứ gì cũng có thể làm bùng lên tranh luận ở Bắc Mỹ.
- Những điều luật cụ thể về trách nhiệm của độc giả khi đưa ra bình luận hay phát ngôn thù ghét cũng đang nhiều lên. Những cách lý giải khác nhau của xã hội về "tự do ngôn luận" và giới hạn của nó, cũng như mức độ phát triển dân chủ của một quốc gia có ảnh hưởng đến cách tiếp cận mà các tổ chức tin tức sử dụng trong quản lý bình luận.
- Với xu hướng chuyển hoàn toàn phần bình luận sang các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đang lo ngại rằng những vấn đề cố hữu của mục bình luận vẫn sẽ không mất đi, mà còn nhiều thêm khi kết hợp với các vấn đề về mất quan hệ độc giả và số liệu, thiếu kiểm soát và có thể là mất tính bền vững trong tương lai.
- Một số ít các tổ chức tin tức như The New York Times hay Dawn của Pakistan có thể duy trì một cộng đồng bình luận sôi động và mang tính xây dựng thông qua đầu tư phù hợp vào điều tiết bình luận và gặt hái thành quả không chỉ về sự trung thành của độc giả mà còn về doanh thu.
-Bất chấp những thách thức, nhiều tổ chức tin tức vẫn tiếp tục tìm những cách khác để thu hút và kêu gọi độc giả đưa ra bình luận của họ qua những phương thức như:
+ Xem xét lại nhiệm vụ của họ và đưa phần bình luận thành một mục ưu tiên.
+ Giảm số lượng tin bài có thể tự do bình luận, cho phép việc điều tiết được. chặt chẽ và tập trung hơn, và thưởng cho những hành vi tốt của người bình luận.
+ Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp công nghệ tốt hơn.
+ Xây dựng cộng đồng và kết hợp các bình luận vào nội dung./.