Nhật báo The Australian mới đây đăng bài viết của tác giả David Nicol, Giám đốc quản lý của công ty BlackBerry Australia and New Zealand, trong đó nhận định việc bảo đảm thông tin trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển thành phố thông minh tại Australia.
Sau đây là nội dung bài viết:
Khi sự cố lớn xảy ra, mọi người thường nhận được hình ảnh và cập nhật xã hội gần như ngay lập tức từ những người có mặt tại hiện trường. Chỉ cần nhìn vào đám cháy gần đây tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris đã lấp đầy nguồn cấp dữ liệu xã hội trên toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn.
Đồng thời, việc sử dụng thiết bị bay không người lái và công nghệ GPS của các dịch vụ khẩn cấp để điều tra thiệt hại hỏa hoạn cho thấy các thành phố, chính phủ và dịch vụ khẩn cấp, thậm chí các tổ chức tư nhân, đang ngày càng dựa vào các công nghệ mới và công nghệ hiện có trong các tình huống khẩn cấp.
Điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội giúp chia sẻ thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tính hợp lệ, chính xác và bảo mật của các thông tin này vẫn là một điều không được đảm bảo.
Các sự kiện như vụ bắt giữ con tin tháng 12/2014 ở khu Martin Place, thành phố Sydney, Australia đã chứng kiến một loạt các thông tin sai lệch từ các nguồn không có giá trị, làm dấy lên mối lo ngại về nhiều mối đe dọa an ninh xung quanh thành phố.
[Mô hình mẫu về đô thị thông minh giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh]
Mặc dù có thể giúp ích nhưng công nghệ cũng có thể gây hại nhiều hơn nếu không có các quy trình để đảm bảo dữ liệu được an toàn, chính xác và đáng tin cậy giúp cho đưa ra các quyết định đúng đắn.
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, mọi thứ có thể thay đổi ngay lập tức do ảnh hưởng của những tin đồn trên mạng xã hội, mạng điện thoại và sự nhầm lẫn chung trong khoảng trống thông tin khiến những người cần phải đưa ra các quyết định trong các tình huống khẩn cẩp phải đối mặt với một thách thức lớn.
Với định hướng phát triển các đô thị và khu vực thông minh của Australia thông qua kết nối gia tăng, chính phủ liên bang và chính quyền các thành phố cần làm thế nào để đối phó với sự phức tạp và chi phí của quản lý khủng hoảng thế hệ tiếp theo, nghĩa vụ tuân thủ, quyền riêng tư dữ liệu và các mối đe dọa thay đổi để giữ an toàn cho mọi người?
Một trong những biện pháp đối phó quan trọng là các chương trình truyền thông được thiết kế hợp lý khi xảy ra các cuộc khủng hoảng.
Cách tốt nhất để quản lý người dân và các bên liên quan trong bất kỳ tình huống cụ thể nào là đảm bảo đúng thông điệp được gửi đến đúng người vào đúng thời điểm - tất cả từ một nguồn đáng tin cậy.
Các hệ thống truyền thông khủng hoảng phải sử dụng xác thực và mã hóa để bảo mật tất cả các thông tin truyền đi và tuân thủ các quy định về bảo mật và quyền riêng tư của chính phủ.
Để cảnh báo người ngoài cuộc và tránh được thông tin sai lệch, các đội ứng phó khẩn cấp cần có các hệ thống tương tác được với nhau và tích hợp với mạng truyền thông xã hội, để đảm bảo thông điệp từ một nguồn đáng tin cậy có thể đến được với công chúng.
Điều này không chỉ áp dụng cho các thành phố đông dân, mà ở các khu vực và vùng nông thôn, nơi xảy ra các sự cố như lũ lụt tại bang Queensland năm 2019 hay các vụ cháy rừng ở Tasmania và Victoria đã chứng minh sự cần thiết của các hệ thống như vậy.
Với trách nhiệm đối phó khẩn cấp ngày càng được chia sẻ giữa nhiều tổ chức, các nhóm cũng cần đảm bảo nhanh chóng chia sẻ dữ liệu với những người có vai trò trực tiếp hoặc hỗ trợ.
Các tổ chức ở Australia đã chứng minh tiềm năng của công nghệ mới có thể giúp thực hiện trách nhiệm chăm sóc của họ.
Đại học Macquarie, với quy mô tương đương một thành phố nhỏ, có thể cảnh báo nhân viên an ninh về các sự cố thông qua một ứng dụng di động phản ứng nhanh.
Nhà trường cũng có thể sử dụng cùng một hệ thống để gửi tin nhắn cho sinh viên, nhân viên và cộng đồng xung quanh thông qua Twitter, Facebook và thông báo trên máy tính để bàn, cũng như văn bản, điện thoại và email.
Điều này cho phép việc tiếp cận nhiều đối tượng thông qua một nguồn đáng tin cậy, qua đó giảm thiểu thông tin sai lệch.
Quản lý khủng hoảng phải là một quá trình hai chiều. Trong một cuộc khủng hoảng, truyền tải một thông điệp là chưa đủ. Điều cực kỳ quan trọng là phải có được thông tin từ những người ở hiện trường. Với khả năng thông tin hai chiều, việc tìm ra ai là người cần giúp đỡ và phối hợp hỗ trợ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Để xây dựng thành công một thành phố thông minh, việc giao tiếp đa phương thức đóng một vai trò không thể thiếu trong việc sử dụng an toàn các phương thức thông tin khác nhau để cảnh báo, sau đó thu nhận thông tin từ hiện trường.
Điều này bao gồm tất cả mọi thứ, từ hệ thống thông tin công cộng (PA systems) đến camera an ninh được kết nối, màn hình TV kỹ thuật số, máy tính và điện thoại di động.
Chia sẻ thông tin và bảo vệ an toàn thông tin là rất quan trọng trong ứng phó với các sự cố một cách hiệu quả.
Việc áp dụng các nguyên tắc “thành phố thông minh” để cải thiện cách sống và làm việc đang được kết hợp với việc viết lại các quy tắc cho sự đối phó khẩn cấp, chịu ảnh hưởng của các quy định mới, các công nghệ thế hệ tiếp theo và những đe dọa mới.
Cốt lõi của bất kỳ thiết kế thành phố thông minh nào là bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng như sự an toàn của người dân.
Điều này bắt đầu với việc đảm bảo rằng các tổ chức chính phủ và tư nhân có các hệ thống phù hợp, các quy trình đào tạo và kinh doanh liên tục phù hợp trong môi trường không gian mạng và sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng.
Thành phố thông minh chắc chắn đem lại nhiều cơ hội và rủi ro đáng kể - nhưng mục tiêu cơ bản phải luôn là giữ an toàn cho mọi người trong khi phát huy tốt những lợi ích của môi trường này. Bất kỳ chiến lược nào cũng cần đảm bảo việc triển khai các hệ thống thông tin thế hệ tiếp theo để có được các quy trình khẩn cấp có thể đối phó với mọi mối đe dọa./.