Ngày này cách đây 71 năm, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam,” chính thức đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Trải qua chặng đường 71 năm xây dựng và phát triển, Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã hòa cùng dòng chảy dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta; trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, làm tròn nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và nay đang mạnh mẽ hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới.
Đồng hành cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước
Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.
Những thước phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt là những thước phim tài liệu chân thực, sống động về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vô cùng anh dũng của nhân dân ta mà ngày nay đã trở thành bằng chứng lịch sử vô giá.
Có thể kể đến những bộ phim như: “Trận Mộc Hóa,” “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng,” “Chiến thắng Đông Khê,” “Chiến thắng Tây Bắc”…
Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng sông” đã ra đời, gây tiếng vang rất lớn thời điểm ấy.
Với chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước, thông qua tình yêu của Vận, chàng trai bên bờ Bắc và Hoài, cô gái bên bờ Nam của dòng sông Bến Hải, nơi được lấy làm giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc lúc bấy giờ, bộ phim đã lay động sâu sắc tình cảm của đông đảo khán giả.
Sau đó, một loạt phim về đề tài cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc được sản xuất, trong đó có nhiều bộ phim khá thành công, như: “Chim vành khuyên,” “Chị Tư Hậu,” “Kim Ðồng,” “Lửa trung tuyến,” “Cù Chính Lan,” “Khôn dại”...
Lĩnh vực phim tài liệu và phim hoạt hình cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc, như: “Nước về Bắc Hưng Hải,” “Cây tre Việt Nam,” “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi,” “Giữ làng giữ nước,” “Việt Nam trên đường thắng lợi,’, “Ðáng đời thằng cáo,” “Binh ong,” “Cây đa chú Cuội”...
Như vậy, chỉ trong vòng 5-6 năm, điện ảnh Việt Nam có thể sản xuất được tất cả các thể loại phim, đã có những phim đi vào lịch sử điện ảnh dân tộc như tác phẩm điện ảnh kinh điển mà ngày nay các nhà làm sử điện ảnh gọi là thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam đồng hành cùng đất nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều bộ phim xuất sắc đã ra đời, như “Nổi gió,” “Ðường về quê mẹ,” “Chuyện vợ chồng anh Lực,” “Người về đồng cói,” “Bài ca ra trận,” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,” “Tiền tuyến gọi”... (phim truyện); “Ðầu sóng ngọn gió,” “Lũy thép Vĩnh Linh,” “Những người săn thú trên núi Ðắc Sao,” “Những người dân quê tôi”... (phim tài liệu - thời sự); “Con khỉ lạc loài,” “Chuyện ông Gióng,” “Khăm phạ - Nàng Ngà” (phim hoạt hình)...
Song hành với sự trưởng thành của ngành sản xuất, phát hành phim, mạng lưới trung tâm điện ảnh, đội chiếu phim lưu động cũng đã hình thành trong cả nước, công tác phổ biến phim nhờ vậy ngày càng mở rộng từ thành thị đến nông thôn và len lỏi khắp vùng sâu, vùng xa, từ miền núi đến hải đảo.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các văn nghệ sỹ ngành điện ảnh ở miền Bắc được biên chế thành những đoàn làm phim xung kích bám sát các đoàn quân ở khắp các mặt trận và tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Họ là những người làm văn nghệ có mặt sớm nhất trong những cánh quân chiếm giữ dinh Ðộc Lập vào ngày 30/4/1975, thực hiện nhiều bộ phim có giá trị như "Thành phố lúc rạng đông," "Ðường tới thành phố," "Những bước đường thắng lợi," "Sài Gòn tháng 5/1975," "Qua cầu Công Lý," "Sài Gòn vui chiến thắng"...
Trong 15 năm (từ 1960-1975) gần 300 cán bộ, nghệ sỹ điện ảnh đã hy sinh trên khắp các nẻo đường của đất nước, trên mọi trận tuyến đánh quân thù để làm phim và phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Phát triển mạnh mẽ và hội nhập
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, đề tài xã hội trở thành trọng tâm phản ánh của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Một số bộ phim tâm lý xã hội được xem là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này là “Chuyến xe bão táp,” “Những người đã gặp,” “Xa và gần,” “Về nơi gió cát,” “Ngày lễ thánh”…
Đề tài lịch sử cách mạng được xây dựng công phu trong “Sao tháng Tám,” các tác phẩm văn học hiện thực phê phán được đưa lên màn ảnh như “Chị Dậu” và “Làng Vũ Đại ngày ấy”…
Với đề tài chiến tranh, các tác giả cũng có cách thể hiện khác nhau. Một số phim có tính hình tượng, tính khái quát cao, như: “Cánh đồng hoang,” “Bao giờ cho đến tháng Mười,” “Mẹ vắng nhà,” “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”…
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ 20, điện ảnh Việt Nam đã manh nha những cái mới với đột phá trong cách nhìn nhận, cách thức thể hiện vấn đề trong phim.
Những bộ phim đổi mới đầu tiên như “Thị xã không yên tĩnh,” “Thằng Bờm”… đã tạo dấu ấn và động lực để những bộ phim sau đổi mới mạnh mẽ hơn.
Các phim đề tài chiến tranh, đề tài hậu chiến cũng được các nhà làm phim khai thác theo hướng mới, bám sát hiện thực cuộc sống.
Không chỉ phim truyện, phim tài liệu giai đoạn đổi mới cũng có sự chuyển hướng trong cách tiếp cận, khai thác vấn đề theo hướng gần gũi hơn với cuộc sống.
Nhiều phim tài liệu thời kỳ đổi mới đã giành được giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế như: “Chị Năm khùng,” “Trở lại Ngư Thủy,” “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”…
Trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, điện ảnh Việt có sự phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim.
Bên cạnh các phim truyền thống, dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, đặc biệt là phim của các đạo diễn Việt kiều ngày càng phát triển và đã thu hút sự trở lại khá rầm rộ của khán giả.
Những tác phẩm như: “Thời xa vắng,” “Mùa len trâu,” “Áo lụa Hà Đông,” “Dòng máu anh hùng,” “Thiên mệnh anh hùng” của các đạo diễn Việt kiều là những dấu ấn đáng ghi nhận của dòng phim này.
Năm 2010 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, thu hút 22 nền điện ảnh tham dự, sau đó trở thành sự kiện thường niên tổ chức 2 năm/lần với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều nền điện ảnh và các tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới tham dự, khẳng định dần vị thế trong khu vực.
Thời kỳ này cũng ghi dấu ấn sự hợp tác mạnh mẽ của các nhà làm phim trong nước với các nhà làm phim nước ngoài, góp thêm những màu sắc mới mẻ cho điện ảnh Việt Nam.
Các hệ thống rạp chiếu hiện đại được xây dựng ở nhiều nơi, phim nhập khẩu cũng nhiều và phong phú hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà làm phim trong nước với phim ngoại.
Những năm gần đây, chất lượng phim Việt đã được nâng cao. Có thể kể đến một số bộ phim đề tài chiến tranh đạt chất lượng, được trao giải tại Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều như: “Mùi cỏ cháy,” “Những người viết huyền thoại,” “Những đứa con của làng,” “Truyền thuyết về Quán Tiên”...
Riêng năm 2023, Việt Nam có 1 phim vào top 15 đề cử tại Oscar hạng mục phim tài liệu ("Những đứa trẻ trong sương"), 1 phim thắng giải Camera Vàng danh giá ở Liên hoan phim Cannes ("Bên trong vỏ kén vàng") cùng một số phim đạt các giải thưởng ở các liên hoan phim khu vực... Kết quả đó góp phần thể hiện dấu ấn của điện ảnh Việt trên trường quốc tế.
Bên cạnh phim truyền thống, phim giải trí thương mại, hàng năm Nhà nước vẫn đặt hàng làm 2-3 bộ phim phục vụ mục đích chính trị.
Một số bộ phim Nhà nước đặt hàng đã được trao các giải thưởng quốc tế, cùng giải trong nước như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,” “Cuộc đời của Yến”...
Gần đây nhất là dự án phim "Đào, phở và piano" đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi thu hút một lượng lớn khán giả, tạo nên tình trạng “cháy vé” cho các rạp phim.
Với sự kỳ công đặt vào việc tái hiện lại giai đoạn lịch sử quan trọng, bộ phim không chỉ là một tác phẩm lịch sử mà còn là một bước tiến mới trong sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam.
Nâng tầm điện ảnh Việt Nam
Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới.
Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng.
Phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành. Theo đó, sẽ từng bước xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều chuyên gia nhận định, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và sáng tạo là những ưu thế lớn có thể đưa điện ảnh Việt Nam gây tiếng vang trên trường quốc tế.
Là biên kịch kiêm đạo diễn có nhiều phim gây ấn tượng và gặt hái các giải thưởng uy tín, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết trong bối cảnh hiện nay, kinh tế sáng tạo rất quan trọng đối với một quốc gia đang phát triển mạnh như Việt Nam. Do đó, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ đối với điện ảnh để đạt được những tác động nhanh chóng và mạnh mẽ xuyên biên giới.
Trên thực tế, một số nền điện ảnh tiên tiến mới nổi của châu Âu, châu Á đã thành công với định hướng cụ thể và hành động tập trung như vậy.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với hàng trăm đơn vị sản xuất phim, hàng năm cung cấp từ 45-50 phim truyện điện ảnh ra rạp, chưa kể những thể loại phim khác, như: Hoạt hình, tài liệu, khoa học... là những con số đáng ghi nhận cho sự tâm huyết, sáng tạo của các đơn vị sản xuất phim, người làm phim vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những phim đạt doanh thu cao, có sức hút ngoài rạp chiếu, phải đa dạng đề tài hơn, đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn.
Đơn cử, những bộ phim doanh thu trăm tỷ thời gian qua hầu hết là phim thị trường.
Những người yêu điện ảnh Việt mong muốn có những bộ phim mang giá trị nghệ thuật cao, muốn vậy, nhất định phải nhờ vào nguồn lực của Nhà nước. Nhất là những đề tài phim về chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa, nông thôn, miền núi...
Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (người có hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh Việt Nam, từ cả góc độ của một nhà phê bình, lý luận và là nhà quản lý) nhận định: điện ảnh Việt Nam trước đây chỉ được coi là ngành nghệ thuật, nhưng muốn có tác phẩm chất lượng cao, bước ra thế giới, có khả năng cạnh tranh quốc tế, thì phải phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường xúc tiến, hợp tác, học hỏi các nền điện ảnh mạnh trên thế giới.
Bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định để ra biển lớn, điện ảnh Việt Nam cần chắt chiu nhiều năm, tìm kiếm, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng trẻ, đồng thời lưu ý yếu tố bản sắc văn hóa Việt - điều làm nên sự mới lạ, độc đáo, vốn là yếu tố thu hút sự chú ý tại các liên hoan phim quốc tế.../.