Lòng chảo Điện Biên Phủ giờ đang là mùa nhãn chín rộ. Tại tất cả các chợ trung tâm trong lòng thành phố, chợ cóc khu vực nông thôn, thậm chí dọc các tuyến đường từ quốc lộ cho tới thôn quê, đâu đâu cũng thấy bày bán nhãn.
Nhìn những sọt nhãn tươi rói, căng tròn vừa hái mà chỉ bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg, trong các vườn nhà nhãn chín rụng đầy gốc, chẳng ai buồn hái, mà xót xa cho người nông dân.
Nhãn Điện Biên hầu hết là loại nhãn cùi, quả to hơn ngón tay người lớn, vỏ màu nâu sáng, cùi dày, mùi thơm nhẹ và có vị ngọt thanh chứ không gắt.
Theo các cụ cao tuổi, từ sau năm 1954, cây nhãn theo chân những người lính Điện Biên sau chiến thắng Điện Biên Phủ lên xây dựng Tây Bắc. Do hợp khí hậu nên loại cây này sinh trưởng và phát triển rất tốt trên vùng đất này.
Gieo đâu mọc đó, ở ngoài bãi, trên đồi đá khô cằn, thậm chí hai bên đường nội thị, nhiều nhà trồng nhãn vừa lấy bóng mát vừa để ăn quả. Bởi vậy nên trong vùng lòng chảo Điện Biên, nhà nào cũng sở hữu nhiều thì vài trăm, ít thì vài ba gốc nhãn.
Theo bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Điện Biên Phủ, năm nay được mùa nhãn, song lại chín muộn khi đã hết hè nên các gia đình không huy động được nguồn nhân lực là con em bóc cùi nhãn làm long. Bên cạnh đó, các thương nhân mọi năm đi thu mua nhãn về làm long, do không có nguồn tiêu thụ nên năm nay cũng không đặt mua nhãn non nữa.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính được xác định là thị trường Điện Biên vẫn nặng về tự cấp tự túc, nguồn hàng nông sản không lưu chuyển đi các nơi khác nên quả nhãn nói riêng, các loại nông sản khác như khoai, sắn, lạc, ngô, mít, chuối... chủ yếu là phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Hiện tại, chưa có một tổ chức Nhà nước hay tư nhân lớn nào làm công việc xúc tiến tiếp thị nông sản ra bên ngoài. Từ trước đến nay, chưa hề có một Hội chợ nào chuyên về nông sản địa phương để giới thiệu sản phẩm với bên ngoài nên hàng hóa làm ra không tiêu thụ được, ngoài gạo Điện Biên đã có thương hiệu trên thị trường cả nước. Đã đến lúc các ngành có liên quan như Nông nghiệp, Thương mại... tính đến các chiến lược dài hơi hơn.
Nhớ đến mùa nhãn vài năm trước, đến nhà nào trong lòng chảo Điện Biên cũng thấy cảnh cả nhà tíu tít ngồi bóc cùi nhãn bán cho các lò sấy long nhãn. Gặp ông chủ vườn nào cũng thấy hả hê vì vừa bán được cả vườn nhãn mấy chục triệu đồng. Thương lái đến mọi nhà, dù chỉ có vài cây cũng mua gom bằng hết.
Khung cảnh “huy hoàng” đó giờ không còn trên lòng chảo Điện Biên. Nhưng chẳng biết chừng, mùa này năm sau quả nhãn lại lên ngôi, vì khối nhà cám cảnh quá sẽ chặt bỏ cả vườn nhãn để trồng loại cây khác, giống như số phận của cây mít, hay chuối tây những năm trước đây./.
Nhìn những sọt nhãn tươi rói, căng tròn vừa hái mà chỉ bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg, trong các vườn nhà nhãn chín rụng đầy gốc, chẳng ai buồn hái, mà xót xa cho người nông dân.
Nhãn Điện Biên hầu hết là loại nhãn cùi, quả to hơn ngón tay người lớn, vỏ màu nâu sáng, cùi dày, mùi thơm nhẹ và có vị ngọt thanh chứ không gắt.
Theo các cụ cao tuổi, từ sau năm 1954, cây nhãn theo chân những người lính Điện Biên sau chiến thắng Điện Biên Phủ lên xây dựng Tây Bắc. Do hợp khí hậu nên loại cây này sinh trưởng và phát triển rất tốt trên vùng đất này.
Gieo đâu mọc đó, ở ngoài bãi, trên đồi đá khô cằn, thậm chí hai bên đường nội thị, nhiều nhà trồng nhãn vừa lấy bóng mát vừa để ăn quả. Bởi vậy nên trong vùng lòng chảo Điện Biên, nhà nào cũng sở hữu nhiều thì vài trăm, ít thì vài ba gốc nhãn.
Theo bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Điện Biên Phủ, năm nay được mùa nhãn, song lại chín muộn khi đã hết hè nên các gia đình không huy động được nguồn nhân lực là con em bóc cùi nhãn làm long. Bên cạnh đó, các thương nhân mọi năm đi thu mua nhãn về làm long, do không có nguồn tiêu thụ nên năm nay cũng không đặt mua nhãn non nữa.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính được xác định là thị trường Điện Biên vẫn nặng về tự cấp tự túc, nguồn hàng nông sản không lưu chuyển đi các nơi khác nên quả nhãn nói riêng, các loại nông sản khác như khoai, sắn, lạc, ngô, mít, chuối... chủ yếu là phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Hiện tại, chưa có một tổ chức Nhà nước hay tư nhân lớn nào làm công việc xúc tiến tiếp thị nông sản ra bên ngoài. Từ trước đến nay, chưa hề có một Hội chợ nào chuyên về nông sản địa phương để giới thiệu sản phẩm với bên ngoài nên hàng hóa làm ra không tiêu thụ được, ngoài gạo Điện Biên đã có thương hiệu trên thị trường cả nước. Đã đến lúc các ngành có liên quan như Nông nghiệp, Thương mại... tính đến các chiến lược dài hơi hơn.
Nhớ đến mùa nhãn vài năm trước, đến nhà nào trong lòng chảo Điện Biên cũng thấy cảnh cả nhà tíu tít ngồi bóc cùi nhãn bán cho các lò sấy long nhãn. Gặp ông chủ vườn nào cũng thấy hả hê vì vừa bán được cả vườn nhãn mấy chục triệu đồng. Thương lái đến mọi nhà, dù chỉ có vài cây cũng mua gom bằng hết.
Khung cảnh “huy hoàng” đó giờ không còn trên lòng chảo Điện Biên. Nhưng chẳng biết chừng, mùa này năm sau quả nhãn lại lên ngôi, vì khối nhà cám cảnh quá sẽ chặt bỏ cả vườn nhãn để trồng loại cây khác, giống như số phận của cây mít, hay chuối tây những năm trước đây./.
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)