Diện mạo du lịch Việt thế nào sau khi Luật Xuất nhập cảnh đi vào cuộc sống?

Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi đã góp phần mang đến một diện mạo thuận lợi hơn cho các hoạt động xuất nhập cảnh của khách du lịch, tạo tiền đề cho những công cụ quản lý mới của nền Kinh tế Xanh.

Văn hóa bản địa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến Việt Nam. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Văn hóa bản địa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến Việt Nam. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Sau 3 tháng kể từ khi Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi có hiệu lực (ngày 15/8/2023), đã có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (tăng 1,8 lần so với năm 2022), trong đó 85% nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học…

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết như vậy trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vừa diễn ra do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Theo đó, sau khi Luật Xuất nhập cảnh được Quốc hội ủng hộ thông qua, hiện nay, Bộ Công an đã triển khai chính sách visa, dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Tại các cửa khẩu, cảng hàng không đều lắp và sử dụng cửa tự động thuận lợi cho khách du lịch xuất, nhập cảnh vào Việt Nam.

Về các loại giấy tờ nhập cảnh, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương. Về quốc tịch, khách Hàn Quốc lớn nhất chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%.

vnp_khach nhat ban (2).jpg
Du khách Nhật tham gia một buổi trà thiền ở Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, sau 3 tháng kể từ khi thực hiện Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi, có 1.259.712 lượt nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (cao hơn 1,6 lần tức so với năm ngoái). Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc 886.671 lượt, Nhật Bản 151.529 lượt, sau đó là Vương quốc Anh, Pháp, Nga.

Số người thuộc diện đơn phương miễn thị thực nhưng vẫn lựa chọn thị thực điện tử (vì thị thực điện tử trong vòng 3 ngày làm việc đã được trả lời được hay không được). Qua thống kê, từ khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực, khoảng 26.000 lượt người ở các nước đơn phương miễn thị thực vẫn lựa chọn thị thực điện tử để đi vào Việt Nam.

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết mỗi ngày, Bộ Công an trả lời trung bình hơn 7.000 thị thực điện tử. Đó là những trường hợp đủ điều kiện và xu hướng sử dụng thị thực điện tử chiếm tỉ lệ ngày càng cao.

Ba tháng vừa qua, so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, khách quốc tế giảm 4%. Khách quốc tế diện đơn phương miễn thị thực giảm 15% so với trước dịch. Trung bình 1 khách nước ngoài lưu trú ở Việt Nam 7,7 ngày nhưng diện đơn phương miễn thị thực chỉ lưu trú trong vòng 3,8 ngày.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, sắp tới Bộ này sẽ phân tích dữ liệu thị trường/ dòng khách nào thường xuyên quay lại, quay lại cư trú ở địa điểm nào để có những phân tích quản lý lưu trú, phục vụ du lịch.

IMG-2334.JPG
Du khách quốc tế ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn trên hành trình khám phá Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, tổng hợp và tính liên ngành, liên lĩnh vực. Lĩnh vực này cũng tương đối nhạy cảm đối với các yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, cạnh tranh chiến lược, hoặc liên quan đến kinh tế, văn hóa và đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an nhận thức được nhiệm vụ này và chúng tôi đổi mới toàn diện tư duy, nhận thức và hành động để làm sao phát triển du lịch thực chất, bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,” Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.

Ông cũng cho rằng với kết quả trên, chính sách thị thực chưa phải là vướng mắc chính của du lịch mà Kinh tế Xanh muốn phát triển bền vững cần phải có sản phẩm du lịch, truyền thông du lịch và các yếu tố thúc đẩy du lịch khác.

Từ đó lãnh đạo Bộ Công an xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản liên quan để làm sao quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, các hình thức, mục đích sử dụng bất động sản du lịch.

Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 34 về quy chế quản lý khu vực biên giới đất liền theo hướng miễn cấp giấy phép đi vào khu vực đất liền đối với người nước ngoài khi vào tham quan tại khu du lịch thuộc khu vực biên giới. Bởi thực tế, chúng ta đang làm thí điểm ở các tỉnh giáp biên với Trung Quốc. Nếu có chính sách này sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn./.

Beach Lifestyle (17).jpg
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm di sản Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục