Điện thoại thông minh là chất xúc tác đẩy mạnh thanh toán online

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Điện thoại thông minh là chất xúc tác đẩy mạnh thanh toán online ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2022,” ngày 17/6, Ngân hàng Nhà nước, Báo Tuổi trẻ, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt.”

Gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.

Các ngân hàng đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… 

Cũng theo Thống đốc, đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số, gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở và khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... 

Còn ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 50%-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50%-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…

Đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). 

Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.  

Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021…

Giao dịch tại khu vực nông thôn đã có chuyển biến

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết với ngành ngân hàng, những giao dịch thanh toán qua thiết bị di động tăng cao, góp phần thúc đẩy giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. 

“Ngay cả vùng nông thôn cũng có tới 98% giao dịch thanh toán qua thiết bị di động, ở khu vực đô thị còn cao hơn. Việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập, đặc biệt qua đại dịch COVID tốc độ thanh toán qua thương mại điện tử đã tăng rất cao,” ông Tâm chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho hay hệ thống ngân hàng ACB có mạng lưới rộng ở vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

“Cách đây 3 năm tỷ lệ sử dụng tài khoản, ngân hàng điện tử ở vùng này rất nhỏ, khi đo chúng tôi phải đến từng nhà, từng người mời sử dụng dịch vụ, thì nay tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn vùng này lên tới 22%,” ông Phát cho biết.

Tại phiên thảo luận, trước câu hỏi việc giảm tiền mặt trong lưu thông và rào cản trong triển khai kinh doanh khi thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Văn Hảo - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng việc thúc đẩy không dùng tiền mặt thường gắn với chuyển đổi số. Thực tế tại HDBank, các ứng dụng được áp dụng trong nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, dịch vụ công. 

Tuy vậy, ông Hảo cũng cho biết, với vùng nông thôn, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn găp khó khăn, vì vậy mạng lưới với 329 điểm, HDBank đã xây dựng trang website cho các địa phương và hướng dẫn cho người dân vay, thanh toán và hỗ trợ đào tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho biết, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, Napas sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa. 

Theo ông Hùng, từ năm 2020, việc đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điện kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng và tránh xa tín dụng đen. Điện thoại thông minh chính là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản ngân hàng, tài khoản Mobile money ở khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục