Qua 3 năm, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng có sức lan tỏa cao trong cộng đồng. Dù hiệu quả từ phong trào chưa được cao và bền vững như mong muốn nhưng những “nút thắt” trong cơ chế chính sách đang dần được gỡ bỏ, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo.
Trong thời gian qua, theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Việc chỉ đạo điều hành thống nhất xuyên suốt là điều kiện đặc thù so với các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác. Các quy định, chính sách đã được điều chỉnh, cập nhật với thực tế như Quyết định 695/QĐ-TTg đã có sửa đổi cơ chế hỗ trợ vốn từ 100% sang hỗ trợ một phần,” ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Hay như Quyết định 498/QĐ-TTg về bổ sung cơ chế đầu tư đặc thù cũng giúp các địa phương triển khai nhanh hơn với các dự án đầu tư. Trước đây, thông thường một dự án có vốn đầu tư 100-200 triệu đồng có tới 39 mẫu thủ tục kê khai và có khi phải chờ tới 6 tháng sau mới được phê duyệt. Hiện nay với những công trình đơn giản, người dân chỉ cần triển khai theo mẫu định hình, Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn lực một phần. “Cơ chế chính sách sẽ được hoàn thiện theo hướng nâng cao để người dân có thể tự triển khai dự án gắn với lợi ích của họ,” ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Qua thực tế triển khai cho thấy, người dân từng bước phát huy được vai trò chủ thể và có đóng góp khá lớn vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu nguồn vốn thực hiện chương trình dự kiến là 40% từ ngân sách Nhà nước; 30% từ nguồn vốn tín dụng; 20% nguồn vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, còn lại 10% là huy động từ người dân và cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 3 năm (2011-2013), tổng vốn huy động từ các nguồn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 105.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước thấp hơn so với dự kiến, chỉ đạt 33,9%; nguồn vốn tín dụng chiếm 37,4%. Trong khi nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hầu như chưa đáng kể thì phần đóng góp của người dân và cộng đồng (ngày công lao động, hiến đất và tiền mặt) là khá lớn, chiếm tới 19,1% tổng nguồn vốn.
Từ nguồn vốn này, diện mạo nông thôn đã được cải thiện rõ rệt thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để tạo đà phát triển kinh tế-xã hội và tăng sự hưởng thụ trực tiếp đối với người dân. Hiện các địa phương đang triển khai gần 5.000 công trình giao thông nông thôn với khoảng 64.000km (trong đó 38.000km đường làm mới).
Bên cạnh đó, các tỉnh đã tu bổ, sửa chữa, nâng cấp hơn 3.000 công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Tính đến nay, hệ thống thủy lợi đáp ứng 73,6% nhu cầu sản xuất, dân sinh; tỷ lệ tưới tiêu chủ động tăng từ 80% năm 2008 lên trên 90% năm 2013. Hầu hết các địa phương đã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác. Các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp đã có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi để giúp nông dân mua máy nông nghiệp, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, mặc dù đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phát triển nông thôn nhưng vẫn chưa đồng bộ và nhất quán, chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới với các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Ở một khía cạnh khác, giáo sư-tiến sỹ Trần Duy Quý thuộc Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp Việt Nam (PHANO) nhìn nhận, phát triển nông thôn chưa được như mong muốn do còn thiếu thống nhất về tiếp cận khoa học và kế hoạch hành động cụ thể.
Theo đề xuất của PHANO, phát triển nông thôn tổng hợp theo hướng đổi mới dựa trên 4 đặc điểm chính là: xây dựng chiến lược tổng hợp; đa dạng hóa sinh kế; dựa vào cộng đồng thực hiện và xây dựng tăng cường năng lực thể chế nông thôn.
“Mục tiêu của phát triển nông nghiệp là tăng giá trị gia tăng nông sản còn mục tiêu phát triển nông thôn là tăng sinh kế cho nông dân và phát triển xã hội nông thôn, làm cho nông thôn trở thành vùng có thể sống được, tránh di cư hàng loạt ra đô thị,” ông Trần Duy Quý nhấn mạnh.
Để đổi mới nhanh một số cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đất đai, ngân sách Nhà nước, đầu tư, thương mại… cho phù hợp với tình hình mới, đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, môi trường kinh doanh cạnh tranh để huy động các nguồn lực hình thành, phát triển đồng bộ các loại thị trường ở nông thôn.
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng và có thể phải điều chỉnh lại. Việc đổi mới phương thức hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới theo hướng gián tiếp, tăng cường áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.