Điều chỉnh hợp lý cơ cấu nợ công, lành mạnh mua bán nợ

Chiều 19/11, Thủ tướng trình bày báo cáo giải trình thêm trước Quốc hội về điều hành, các giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Điều chỉnh hợp lý cơ cấu nợ công, lành mạnh mua bán nợ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình thêm trước Quốc hội về điều hành và các giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Nhóm vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm như quản lý nợ công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục cải thiện thiện môi trường đầu tư kinh doanh… cũng lần lượt được Thủ tướng làm rõ.

Thủ tướng khẳng định “Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội và cử tri cả nước, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được; khắc phục hạn chế yếu kém và nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành, phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội.”

Nâng cao sức mạnh của nền kinh tế

Theo Thủ tướng, kinh tế xã hội ổn định nhất là kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,2%, 11 tháng tăng 2,6%, cả năm tăng dưới 3%; dự nợ tín dụng 11 tháng tăng 10%, cả năm tăng khoảng 12%.

Mặt bằng lãi suất giảm 1,5 đến 2% so với năm 2013, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Xuất khẩu 11 t háng đạt khoảng 130 tỷ USD , tăng 13,7% ; nhập khẩu khoảng 135 tỷ USD, tăng 12,6%; xuất siêu 2 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 11,2 tỷ USD tăng 6,16%; ODA giải ngân đạt 4,96 tỷ USD tăng 5%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt dự toán tăng 13,9%; chi ngân sách đạt 92,5% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sản xuất công tiếp tục phục hồi nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 7%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,5%. Tồn kho hàng hóa đã trở lại mức bình thường, sản xuất nông lâm nghiệp ổn định. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2%; bất động sản cũng có bước phục hồi…

Cả nước đã có trên 67.000 doanh nhiệp đăng ký thành lập mới, vốn bình quân đăng ký mỗi doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng; trong đó có gần 24.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,8%. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tạo việc làm cho trên 1,46 triệu lao động...

Thủ tướng nhận định: Tuy còn không ít khó khăn hạn chế, nhưng kết quả này có cơ sở để đạt mục tiêu nhiệm vụ năm 2014 mà Chính phủ báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiên đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2014. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%. Đồng thời, chủ động cân đối cung cầu đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả, chuẩn bị các điều kiện để người dân đón Tết.

Thực hiện mục tiêu này, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các trọng tâm, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2015; tập trung quản lý điều hành đảm bảo kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các đột phá chiến lược, tái cơ cấu; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống người dân...

Điều chỉnh hợp lý cơ cấu nợ công

Nợ công thu hút sự quan tâm đặc biệt và đã có nhiều đại biểu nêu ý kiến và gửi chất vấn. Báo cáo trước Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng nợ công và kế hoạch cơ cấu nợ đến năm 2020, Thủ tướng nhận định: Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại nên kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm.

Tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm từ năm 2006 đã giảm xuống còn 5,8% vào giai đoạn năm 2011-215. Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra chủ trương giảm thu nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi để đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy thu nhân sách trên GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%.

Trong khi đó, nhu cầu chi vẫn tăng mạnh để đảm bảo an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình cũng như chi trả nợ đến hạn... Tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách Nhà nước tăng từ 55% lên hơn 64%. Đặc biệt, từ năm 20 11 đến nay đã có 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp với 6,3 triệu/người được hưởng từ 1/1/ 2015.

Thủ tướng khẳng định chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 18% giai đoạn 2011-2015. Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đề ra, trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tăng vay nợ cả trong và ngoài nước; trong đó, chuyển mạnh sang vay nợ trong nước để tập trung cho đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó quy định mức giới hạn cho năm 2020 là không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, vay về để cho vay lại không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Do đó, giai đoạn 2011-2015, kế hoạch phát hành trái phiếu C hính phủ là 335.000 tỷ đồng gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006-2010.

Đồng thời, giải ngân vốn ODA cũng được đẩy mạnh; vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay sẽ dành để đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng thiết yếu. Bởi vậy, nợ công tăng nhanh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015.

Mức nợ công này được Thủ tướng khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Mặt khác, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần.

Cùng với thực hiện chủ trương giảm dần vay nước ngoài chuyển sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay 2011 lên 54,5% năm 2014. Hiện nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao do chỉ số giá năm 2011-2012 tăng mạnh dẫn đến áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Thủ tướng phân tích: “Trong bối cảnh đó, chúng ta có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 khoảng 14,2%. Theo quy định là không quá 25%.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng số nợ công và phù hợp với quy định quản lý nợ công và thông lệ quốc tế.”

Năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ được 144.000 tỷ đồng với thời hạn bình quân 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013 phát hành gần 182.000 tỷ đồng trong đó dành 40.000 tỷ đồng để đảo nợ (kỳ hạn bình quân 3,21 năm với lãi suất khoảng 7,79%/năm ). Năm 2014 phát hành trái phiếu 330.000 tỷ đồng, trong đó cũng dành 77.000 tỷ đồng để đảo nợ (kỳ hạn bình quân 4,85 năm và lãi suất 6,62%/năm).

Gần đây nhất là ngày 7/11, Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu đã phát hành trước đây (năm 2005-2010) với lãi suất bình quân 6,8% / năm, giảm đáng kể chi phí lãi vay. Động thái này cũng giúp xác lập chuẩn lãi suất mới phù hợp và có lợi hơn cho các hoạt động tài chính của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận: “Nợ công đã sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng lãng phí, tham nhũng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng, cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP giảm và chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ trọng chi đầu tư giảm, bội chi cao, thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nếu chủ quan buông lỏng, không giám sát chặt chẽ sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.”

Bởi vậy, trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc, sớm phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường các nguồn lực ngoài nhà nước và vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Việt Nam cần tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lành mạnh thị trường mua bán nợ

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Giai đoạn năm 2001-2010, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP tại Việt Nam tăng từ 40% năm 2000 lên 125% vào năm 2010. Tuy nhiên, công tác quản lý của Nhà nước còn chưa chặt chẽ, năng lực quản trị của nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn yếu kém nên có một số trường hợp vi phạm pháp luật.

Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính và bất động sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ khiến nợ xấu gia tăng.

Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17% khiến nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn, đình chệ , ảnh hưởng đến đời sống việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu khiến tình tình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, một số ngân hàng thương mại phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị-Quốc hội phê duyệt đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và giải quyết nợ xấu. Mục tiêu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống. Năm 2015 phấn đấu đưa nợ xấu về mức an toàn.

Triển khai đề án này, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành liên quan và các địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động tình hình tài chính, nợ xấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời hoàn thiện các quy định về phân loại, cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng xử lý rủi ro... đảm bảo minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhờ nỗ lực chung, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, đến tháng 10 vừa qua, đã xử lý được 54,3% số nợ xấu xác định tại thời điểm tháng 9/2012 bằng các giải pháp thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng dự lý rủi ro, bán nợ và tài sản đảm bảo. Trong đó có bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng. Công ty này đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 còn 3,7% so với mức 17% vào tháng 9/2012. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã hoàn thành tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại yếu kém, giảm 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp doanh.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ ngân sách và có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu và có thị trường tài chính phát triển.

Thủ tướng cho hay: Việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách Nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Do đó, mặc dù kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là: khuôn khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của Công ty quản lý nợ cũng như thị trường mua bán nợ hoạt động thanh tra-giám sát còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Cùng đó, năng lực quản lý, tiềm lực tài chính của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao, sở hữu chưa minh bạch...

Do đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và tập trung vào các nhiệm vụ như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua bán nợ và tài sản bảo đảm; xác định trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ; hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính và nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường.

Cùng đó với việc lành mạnh thị trường mua bán nợ, Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp... / .

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục