Điều gì sẽ xảy ra khi cuộc chiến ‘bảo hộ’ ngành thép lan rộng?

Hiệu ứng domino từ quyết định 'siết' thuế nhập khẩu thép của Mỹ dường như đã xuất hiện, nhóm cổ phiếu ngành thép đã bị các nhà đầu tư bán tháo trong bối cảnh tác động kép từ xu hướng điều chỉnh xuống.
Điều gì sẽ xảy ra khi cuộc chiến ‘bảo hộ’ ngành thép lan rộng? ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việc Mỹ ra quyết định áp dụng mức thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu đến từ hầu hết các quốc gia trở thành tâm điểm chú ý với những mối quan ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

[Các nước EU ủng hộ các biện pháp đáp trả thương mại với Mỹ]

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiệu ứng domino dường như đã xuất hiện, cộng thêm tác động kép từ xu hướng điều chỉnh của thị trường trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngành thép đã bị các nhà đầu tư bán tháo. Cụ thể, giá cổ phiếu HSG - Tập đoàn Hoa Sen giảm 16% (từ ngày 28/6 đến 3/7), mã HPG - Tập đoàn Hòa Phát giảm gần 13% (từ ngày 26/6 tới 3/7) và điều chỉnh giảm mạnh nhất xấp xỉ 20% phải kể đến mã NKG của Công ty Thép Nam Kim (từ ngày 7/6 tới 3/7).

Để làm rõ hơn, những ảnh hưởng từ quyết định tăng thuế của Mỹ đến  các doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên thị trường Việt Nam, VietnamPlus đã có sự trao đổi cùng ông Đào Minh Châu – Chuyên viên Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng tổ chức – Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI).

-    Trước quyết định tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, ông đánh giá như thế nào về những tác động ảnh hưởng đến những doanh nghiệp trong ngành của Việt Nam?

Ông Đào Minh Châu: Chúng tôi tin rằng, chỉ riêng với thuế quan Mỹ trong ngành thép sẽ không ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất thép của Việt Nam.

Theo thống kê từ Hiệp hội thép thế giới, tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ đạt 35,4 triệu tấn trong năm 2017, chỉ chiếm 7% tổng lượng thép nhập khẩu toàn cầu.

Về phần Việt Nam, mặc dù lượng xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ đã tăng nhanh trong những năm gần đây, song trên thực tế thị trường này chỉ chiếm 11% tổng lượng thép xuất khẩu vào năm 2017 và con số này là khoảng 15% trong quý 1/2018.

Trong khi, thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam vẫn là ASEAN (các nước Đông Nam Á) với tỷ lệ 59% năm 2017 và 58% trong quý 1/2018.

-    Tuy nhiên, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Ông Đào Minh Châu: Trên thị trường, mã cổ phiếu HPG - nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước, có thể sẽ ảnh hưởng không đáng kể từ sự việc này. Bởi, Báo cáo tài chính của Công ty này cho thấy, hoạt động xuất khẩu chỉ khoảng 6% tổng doanh số năm 2017 và tăng lên 8% trong 5 tháng đầu năm 2018.

Song, các mã trong ngành là HSG và NKG với tỷ trọng xuất khẩu khá lớn lần lượt từ 40% đến 50% doanh thu/năm thì khả năng tổn thương trong các cuộc chiến thương mại có điều kiện sẽ dễ xảy ra hơn.

Song xét về tác động trực tiếp, thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 10%-15% trên tổng khối lượng xuất khẩu của cả HSG và NKG trong năm 2017. Bên cạnh đó, hai công ty này đều thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang tới 60 - 75 quốc gia vào thời điểm hiện tại. Và, điều này đã giúp họ “né được bão” từ chính sách thuế quan của Mỹ trong ngắn hạn.

Ở mức giá hiện tại, các mã cổ phiếu HPG, HSG và NKG đang giao dịch với mức PER (hệ số giá/lợi nhuận) tương ứng là 9,7; 4,5 và 4,6. Do đó, chúng tôi cho rằng, mã cổ phiếu HPG vẫn là lựa chọn hàng đầu của trong ngành thép với lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường nội địa cùng tiềm năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn (từ Dự án Dung Quất thúc đẩy).

-    Tuy nhiên đó chỉ là ngắn hạn, điều gì sẽ xảy ra khi chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu bị “kích hoạt” trước những động thái của Mỹ như vừa qua?


Ông Đào Minh Châu:
Rõ ràng, điều đáng lo ngại nhất ở đây là động thái siết chặt thuế quan của Mỹ có khả năng “kích hoạt” chủ nghĩa bảo hộ trên quy mô toàn cầu. Nguy cơ, các thị trường khác sẽ đồng loạt ra quyết định thiết lập những biện pháp bảo hộ riêng nhằm hạn chế nhập khẩu thép từ bên ngoài.

Động thái gần đây nhất, các nước châu Âu (EU) - thị trường nhập khẩu thép lớn thứ ba của Việt Nam (chiếm gần 10% tổng khối lượng xuất khẩu) đã thực hiện một cuộc điều tra tự vệ về thép nhập khẩu thép với tất cả các nước ngoài khối EU, vào hồi tháng Ba.

Bên cạnh đó, Canada cũng bắt đầu mở một cuộc điều tra sơ bộ đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, thời điểm cuối tháng Năm.

Khi hiệu ứng domino xảy ra, các quốc gia cùng tạo ra rào cản thương mại, thị trường thép toàn cầu sẽ biến động khó lường về dài hạn và tác động ảnh hưởng của nó đến ngành thép của Việt Nam sẽ không còn nhỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục