Điều gì sẽ xảy ra nếu trái phiếu Chính phủ Mỹ gặp "sự cố" đột ngột?

Tại Mỹ đã xuất hiện những tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và Tổng thống Joe Biden liên quan đến trần nợ công vào năm 2023, có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ tương tự Vương quốc Anh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trái phiếu Chính phủ Mỹ gặp "sự cố" đột ngột? ảnh 1Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, trị giá khoảng 24.000 tỷ USD, được coi là thị trường trái phiếu quan trọng nhất thế giới.

Hoạt động trơn tru của thị trường này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng điều hành nền kinh tế của Chính phủ Mỹ, mà còn tác động đến “sức khỏe” của hệ thống tài chính toàn cầu.

Đó là lý do vì sao trái phiếu Chính phủ Mỹ được xem là một sự đặt cược an toàn đối với giới đầu tư vì khoản vay này hầu như không có nguy cơ không được hoàn trả.

Một cú sốc bất ngờ có thể xảy ra

Điều gì sẽ xảy ra nếu trái phiếu Chính phủ Mỹ gặp sự cố đột ngột?

Sau khi Vương quốc Anh trải qua một cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải can thiệp khẩn cấp, đây là câu hỏi khiến các quan chức Mỹ và các ngân hàng Phố Wall “đau đầu."

Tại Mỹ, đã xuất hiện lo ngại những tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và Tổng thống Joe Biden liên quan đến trần nợ công vào năm 2023 có thể dẫn đến một kịch bản tương tự những gì đã xảy ra ở Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã khẳng định với CNN rằng kinh tế Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm cho những quan điểm chấp nhận hy sinh xếp hạng tín nhiệm quốc gia và rủi ro vỡ nợ trái phiếu chính phủ, vốn được coi là nền tảng của thị trường tài chính toàn cầu.

Giao dịch trái phiếu Chính phủ Mỹ đang diễn ra kém sôi động do sự không chắc chắn khiến các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc, trong khi nhiều ngân hàng trung ương ở nước ngoài và các chính phủ tìm cách hỗ trợ đồng nội tệ đang gặp khó khăn của họ.

Điều đó khiến người ta lo ngại rằng một cú sốc bất ngờ có thể xảy ra.

Mark Cabana, người đứng đầu mảng chiến lược tỷ giá của Mỹ tại Bank of America, cho biết: “Hầu hết đều nhận thấy một sự mong manh tiềm ẩn trên thị trường hiện nay. Những thứ dễ vỡ có thể sẽ vỡ một cách dễ dàng."

Biến động tăng lên

Lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn di chuyển ngược chiều với giá, đã tăng mạnh và đạt mức cao nhất là 4,2% trong tháng này, từ mức chỉ 2,6% vào đầu tháng Tám và 1,5% hồi đầu năm. Trong giao dịch trái phiếu chính phủ, biến động này phản ánh nhu cầu sụt giảm.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ thường được coi là một khoản đầu tư an toàn vào những thời điểm không chắc chắn, song sự thiếu rõ ràng về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – và những nghi ngờ xung quanh việc môi trường lạm phát cao sẽ kéo dài bao lâu - đang khiến các nhà đầu tư truyền thống lưỡng lự.

[Giá trị thị trường chứng khoán Mỹ 'bốc hơi' trên 200 tỷ USD]

Bà Yellen cho biết, Bộ Tài chính đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Bà thừa nhận rằng các giao dịch thực tế đang “phản ánh sự không chắc chắn lớn về triển vọng kinh tế," mặc dù “khối lượng giao dịch vẫn mạnh mẽ và các nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch."

Bộ trưởng Yellen khẳng định trong một bài phát biểu: “Bộ Tài chính đang làm việc với các cơ quan quản lý để thúc đẩy cải cách nhằm cải thiện khả năng của hấp thụ các cú sốc cũng như sự gián đoạn, thay vì khuếch đại chúng."

Lịch sử cho thấy trái phiếu chính phủ không “miễn nhiễm” với hỗn loạn khi thị trường đi xuống. Ví dụ, vào tháng 3/2020, nỗi sợ hãi về đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn hiếm hoi trên thị trường này. Sau đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ chỉ có có thể khôi phục niềm tin thị trường sau khi họ tuyên bố sẽ mua trái phiếu chính phủ trên quy mô lớn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trái phiếu Chính phủ Mỹ gặp "sự cố" đột ngột? ảnh 2Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện tại, thị trường có vẻ căng thẳng những vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Brad Setser, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người chuyên nghiên cứu về các lỗ hổng tài chính, đang chú ý đến tốc độ mà các ngân hàng trung ương hoặc chính phủ ở các quốc gia như Nhật Bản đang bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Khi đồng USD bắt đầu tăng giá chóng mặt và đẩy các đồng tiền khác xuống giá, chính phủ các nước đã vào cuộc để cố gắng giảm thiểu thiệt hại. Ví dụ, Nhật Bản đã thực hiện nhiều động thái để hỗ trợ đồng yen, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1990.

Trong khi các dữ liệu chính thức thường có độ trễ, chuyên gia nghiên cứu Setser, cũng là cựu cố vấn của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho biết “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ."

Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng đã bắt đầu thu hẹp lượng trái phiếu mà thể chế này nắm giữ trong thời kỳ đại dịch, một quá trình thường được gọi là thắt chặt định lượng. Nguồn cung trái phiếu tăng có thể đẩy lợi suất lên cao hơn nữa nếu nhu cầu tiếp tục giảm.

"Số lượng trái phiếu mà thị trường cần hấp thụ rõ ràng sẽ tăng lên khi Fed thắt chặt định lượng và sự không chắc chắn về các chính sách lãi suất đang tạo ra nhiều biến động nội tại hơn trên thị trường," chuyên gia nghiên cứu Setser nói.

Rủi ro “Ngày tận thế”

Dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ nhạy cảm hơn bình thường đang khiến các nhà đầu tư và cơ quan quản lý cảnh giác, đặc biệt là sau những gì diễn ra gần đây ở Vương quốc Anh.

Làn sóng phản đối của giới đầu tư đối với kế hoạch ngân sách được cựu Thủ tướng Anh Liz Truss công bố vào tháng 9/2022, trong đó bao gồm kế hoạch cắt giảm thuế và tăng cường vay nợ, đã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Ngân hàng trung ương Anh đã phải công bố ba biện pháp can thiệp riêng biệt nhằm khôi phục sự bình tĩnh của nhà đầu tư, khi các quỹ hưu trí dựa vào công cụ phái sinh đang chịu áp lực.

“Điều khiến mọi người lo lắng là những gì đã xảy ra ở Vương quốc Anh," Joseph Gagnon, cựu quan chức Fed và thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết.

Hệ thống hưu trí của Mỹ có cấu trúc khác với Vương quốc Anh, và một số yếu tố gây ra rủi ro sụp đổ có lẽ là những yếu tố đặc trưng của Anh.

Kathleen Day, một giảng viên tại Đại học Johns Hopkins, người đã nghiên cứu lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính, cho rằng niềm tin của giới đầu tư đối với trái phiếu Chính phủ Anh đã sụt giảm kể từ khi nước này bỏ phiếu ủng hộ Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu) vào năm 2016. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại Anh vẫn thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Điều đáng lưu ý đó là nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa Thu này, họ sẽ tận dụng vấn đề trần nợ công - có thể sẽ cần được nâng lên vào năm 2023 - như một “lá bài” đàm phán với Tổng thống Biden.

"Trần nợ công có lẽ là vấn đề thể chế lớn nhất của Mỹ, kéo theo một số rủi ro toàn cầu và rủi ro đối với thị trường trái phiếu chính phủ," chuyên gia nghiên cứu Setser cho biết.

Mặc dù tình trạng vượt trần nợ đã trở nên phổ biến, nhưng giờ đây rủi ro có thể cao hơn khi thị trường tài chính đang ở thế bấp bênh.

Trong trường hợp nước Mỹ vỡ nợ, trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ bị bán tháo, lãi suất sẽ tăng vọt, thị trường chứng khoán và tài khoản lương hưu của người Mỹ suy sụp, giá trị của đồng USD và uy tín tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lao dốc.

Giảng viên Kathleen Day nói: “Nếu Mỹ không thể nâng trần nợ công và không thể trả được nợ thì đó chính là thời điểm Armageddon (Ngày tận thế). Điều này cũng phù hợp với lời khẳng định của bà Yellen với CNN rằng việc nâng trần nợ công khi cần là điều “cực kỳ cần thiết."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục