“Điều hành tỷ giá theo sát hai biến số quan trọng của thị trường”

Ông Võ Trí Thành cho rằng, dù trong bất kỳ tình huống nào, mức điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm không quá 1% vì dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế… đều rất khả quan.

“Tôi đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành tỷ giá theo sát 2 biến số quan trọng nhất là tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát,” TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương CIEM đã nhấn mạnh.

- Ông đánh giá thế nào về việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% mới đây của Ngân hàng Nhà nước?

Ông Võ Trí Thành: Trong môi trường kinh tế khi lòng tin chưa thực sự cao, nếu điều chỉnh tỷ giá mà không đi kèm với các thông tin minh bạch với các thông số quan trọng như dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế… thì có thể gây kích hoạt thị trường, người dân lo lắng về vị thế đồng nội tệ và vòng xoáy lạm phát có thể quay trở lại.

Nếu nhìn góc độ vĩ mô, lạm phát đang ở mức thấp và tổng cầu yếu nên có dư địa để điều chỉnh tỷ giá mà vừa không gây ra bất ổn, lại góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

Cho nên, cách điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là phù hợp. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động vì đi kèm với quyết định đó là đưa thông tin minh bạch ra thị trường về các thông số quan trọng đang diễn biến tích cực như cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục là 35 tỷ USD.

- Có khuyến nghị cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh với mức nhẹ và tần suất nhiều hơn, vậy liệu mức điều chỉnh này đã phù hợp với kỳ vọng thị trường?

Ông Võ Trí Thành: Có thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hết biên độ đặt ra là 2% hoặc có thể điều chỉnh trườn bò như đang thực hiện. Việc này còn tùy vào diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô cũng như nghệ thuật điều hành của nhà chính sách. Vì cái gì cũng có hai mặt là lợi thế và bất lợi thế.

Như tôi nói, nếu các thông số không đảm bảo, tính minh bạch thị trường kém, việc điều chỉnh mạnh tỷ giá có thể dễ gây chấn động. Song ngược lại, nếu vấn đề trên được xử lý tốt sẽ giúp thị trường ổn định, neo tỷ giá trong một thời gian dài hơn. Còn nếu làm dần dần có thể tránh khỏi cú sốc đột ngột nhưng lại tạo tâm lý kỳ vọng.

Theo tôi, yêu cầu minh bạch và sự ổn định trên thị trường tài chính là quan trọng nhất. Vì đây là mấu chốt tạo dựng lòng tin thị trường.

- Liệu lý do điều chỉnh lần này có phải vì sức ép cung-cầu ngoại tệ không thưa ông?

Ông Võ Trí Thành: Khi quan sát thị trường ngoại hối, có thể nhận biết dấu hiệu căng thẳng qua việc chênh lệch tỷ giá chợ đen, tỷ giá chính thức trong các ngân hàng thương mại thường duy trì ở mức 3-5% hoặc mức giao dịch trên thị trường liên ngân hàng luôn ở mức trần.

Nhưng qua theo dõi giao dịch thực tế những ngày qua khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, các ngân hàng thương mại không giao dịch hết biên độ 1% Ngân hàng Nhà nước cho phép mà chỉ ở khoảng giữa. Điều đó cho thấy, không có dấu hiệu căng thẳng cung-cầu ngoại tệ.

- Theo ông, việc điều hành tỷ giá đến cuối năm của Ngân hàng Nhà nước sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Tôi đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo sát 2 biến số quan trọng nhất là tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát.

Dù trong bất kỳ tình huống nào, tôi nghĩ mức điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm không quá 1%. Với tất cả dự báo về các thông số quan trọng như dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế… khả quan, nếu có phải điều chỉnh Ngân hàng Nhà nước sẽ rất chủ động trong điều hành chính sách.

Còn quan điểm cá nhân tôi, từ nay đến cuối năm, trừ trường hợp mức lạm phát vẫn giảm, xuất nhập khẩu khó khăn, có thể Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hết 1% còn lại. Nhưng khả năng này chỉ là 40%. Còn khả năng không điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh 0,5% cao hơn là 60%. Vì nếu nhìn cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua thì thấy Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khá thận trọng trong điều hành tỷ giá.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục