Đình công ở Mỹ khiến ngành sản xuất phụ tùng ôtô Mexico thiệt hại nặng

Cuộc đình công nổ ra ngày 15/9 do công nhân của các nhà máy thuộc Ford, General Motors và Stellantis - 3 “ông lớn” ngành công nghiệp ôtô Mỹ - có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với Mexico.
Đình công ở Mỹ khiến ngành sản xuất phụ tùng ôtô Mexico thiệt hại nặng ảnh 1Công nhân của các tập đoàn ôtô Ford, General Motors và Stellantis tham gia đình công tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 15/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngành công nghiệp phụ tùng ôtô của Mexico có thể thiệt hại đến 2 tỷ USD mỗi tháng nếu cuộc đình công của 3 tập đoàn ôtô khổng lồ tại Mỹ diễn ra trong thời gian dài.

Đây được xem là rủi ro lớn nhất trong nhiều năm qua mà ngành công nghiệp chủ chốt tại quốc gia Mỹ Latinh này có nguy cơ phải đối mặt.

Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông báo ngày 16/9 của Công ty Tư vấn Công nghiệp Ôtô Ramos Arizpe cho biết cuộc đình công nổ ra ngày 15/9 do công nhân của các nhà máy thuộc Ford, General Motors và Stellantis - 3 “ông lớn” ngành công nghiệp ôtô Mỹ - có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với Mexico.

[Đình công tại nhà máy của 3 công ty sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ]

Quốc gia Mỹ Latinh này hiện đang nằm trong chuỗi cung ứng chủ chốt về phụ tùng và linh kiện ôtô cho ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

Theo Công ty Tư vấn Ramos Arizpe, các bang phía Bắc Mexico giáp biên giới Mỹ - nơi tập trung dày đặc các nhà máy sản xuất linh kiện và phụ tùng ôtô, sẽ là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc đình công vốn được đánh giá là tồi tệ nhất trong 25 năm qua đối với ngành ôtô Mỹ.

Đơn cử như bang Coahuila, nơi tập trung nhiều công ty sản xuất linh kiện như đèn pha, bình xăng, nội thất và cửa, sẽ có thể sẽ phải sa thải đến 10% trong tổng số 65.000 nhân công nếu cuộc đình công tại các công ty ô tô của Mỹ kéo dài. Ngoài ra, nhiều công ty có thể sẽ buộc phải cắt bớt các ca làm nhằm giảm lượng tồn kho.

Ông Sergio Aguilar, Giám đốc Công ty Tư vấn Công nghiệp Ôtô Ramos Arizpe cho biết trên thực tế, ngành phụ tùng ôtô Mexico đã từng trải qua những giai đoạn tương tự trong quá khứ, nhờ đó có thể đưa ra những dự báo khá chính xác.

Gần đây nhất là năm 2019 khi cuộc đình công kéo dài 40 ngày của Tập đoàn Ôtô General Motors tại Mỹ đã khiến nhiều công ty sản xuất phụ tùng và linh kiện ôtô tại Mexico phải cắt giảm quy mô sản xuất cũng như số lượng nhân công. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã từng gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng từ Mexico sang Mỹ.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Phụ tùng Ôtô Mexico (INA) đưa ra dự đoán rằng ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô của Mexico có thể chịu thiệt hại khoảng 76 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên của của đình công.

Trong trường hợp các công ty sản xuất phụ tùng ôtô Mexico phải thực hiện việc giảm giờ làm, INE sẽ hỗ trợ bằng cách mở các khóa đào tạo cho công nhân trong thời gian nhàn rỗi, trong đó tập trung vào các kiến thức liên quan đến công nghệ mới và kỹ năng vận hành các thiết bị tiên tiến.

Trước đó, Nghiệp đoàn Công nhân Ôtô Mỹ (UAW) bắt đầu cuộc đình công từ 0h ngày 15/9 (theo giờ địa phương) ở những nhà máy của 3 doanh nghiệp ôtô hàng đầu, do hết thời hạn để đạt thỏa thuận với người sử dụng lao động về hợp đồng mới.

Trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter), UAW thông báo đình công bắt đầu diễn ra tại các nhà máy của General Motors, Stellantis và Ford.

Chủ tịch UAW Shawn Fain tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử, nghiệp đoàn sẽ tiến hành đình công cùng một lúc ở các nhà máy của 3 doanh nghiệp hàng đầu trên.

Theo tính toán của Công ty tư vấn toàn cầu Anderson Economic Group (AEG), nền kinh tế Mỹ sẽ mất đi khoảng 5 tỷ USD sau mỗi 10 ngày diễn ra đình công của General Motors, Stellantis và Ford.

Các chuyên gia phân tích nhận định đình công kéo dài sẽ gây áp lực lên các nhà cung cấp, khiến họ buộc phải sa thải công nhân và điều này có thể làm chậm quá trình phục hồi khi cuộc đình công kết thúc.

Nếu đình công kéo dài trong những tuần tới với sự tham gia của toàn bộ 146.000 thành viên của UAW tại 3 công ty trên, đây sẽ là cuộc đình công lớn nhất trong 25 năm của ngành sản xuất ôtô Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục