Đình công tại nhà máy của 3 công ty sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ

Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân sản xuất ôtô Mỹ, ông Shawn Fain tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử, nghiệp đoàn sẽ tiến hành đình công tại các nhà máy của 3 "ông lớn" cùng lúc.
Đình công tại nhà máy của 3 công ty sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ ảnh 1Nghiệp đoàn UAW thông báo đình công bắt đầu diễn ra tại các nhà máy của General Motors, Stellantis và Ford. (Nguồn: nbcnews)

Nghiệp đoàn công nhân sản xuất ôtô Mỹ (UAW) thông báo bắt đầu cuộc đình công từ 0 giờ ngày 15/9 (theo giờ địa phương) tại các nhà máy của 3 công ty sản xuất ôtô lớn nhất nước Mỹ, do hết thời hạn để đạt thỏa thuận với người sử dụng lao động về hợp đồng mới.

Trên nền tảng mạng xã hội X, nghiệp đoàn UAW thông báo đình công bắt đầu diễn ra tại các nhà máy của General Motors, Stellantis và Ford.

Chủ tịch UAW, ông Shawn Fain tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử, nghiệp đoàn sẽ tiến hành đình công tại các nhà máy của 3 "ông lớn" cùng lúc.

Theo ông Fain, đình công sẽ diễn ra tại một nhà máy của mỗi công ty, gồm nhà máy GM ở Wentzville (bang Missouri); cơ sở Stellantis ở Toledo (bang Ohio) và một nhà máy của Ford ở Wayne (bang Michigan). Tuy nhiên, đây là chỉ là các nhà máy thực hiện công đoạn lắp ráp và sơn cuối cùng.

Khoảng 12.700 công nhân sẽ ngừng làm việc trong ngày 15/9 nhằm tăng áp lực lên giới chủ trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

[Mỹ: Nhân viên thành phố Los Angeles đình công trong 24 giờ]

Ford khẳng định đã thương lượng với tinh thần thiện chí nhằm tránh xảy ra đình công. Hãng này cam kết đạt thỏa thuận tiền thưởng cho nhân viên và đảm bảo khả năng đầu tư vào tương lai của Ford khi chuyển sang sản xuất xe điện.

Hiện hãng xe General Motors và Stellantis vẫn chưa có bình luận.

Trong ngày 14/9, General Motors đã nâng mức đề nghị tăng lương từ 18% lên 20%, trong khi UAW đòi tăng lương 40%.

Ông Michael Spencer, Phó Chủ tịch của UAW Local 1700, đại diện cho 6.000 công nhân tại nhà máy Stellantis 'Ram ở Sterling Heights (Michigan) cho biết ông đã yêu cầu các nghiệp đoàn địa phương chuẩn bị "sẵn sàng" cho trường hợp các nhà máy của họ tham gia đình công. Ông nhấn mạnh mục tiêu không phải là làm tổn thương người tiêu dùng hoặc công ty.

Các vấn đề khác gồm tăng lương và phúc lợi cho nhân viên làm bán thời gian và nhân viên cấp dưới, những người hiện chỉ kiếm được 22 USD/giờ so với mức lương cao nhất là 31 USD/giờ.

Các chuyên gia phân tích nhận định đình công kéo dài sẽ gây áp lực lên các nhà cung cấp, khiến họ buộc phải sa thải công nhân và điều này có thể làm chậm quá trình phục hồi khi cuộc đình công kết thúc.

Nếu đình công kéo dài trong những tuần tới với sự tham gia của toàn bộ 146.000 thành viên của UAW tại 3 công ty trên, đây sẽ là cuộc đình công lớn nhất trong 25 năm của ngành sản xuất ôtô Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục