Định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2015

Hội thảo với chủ đề “Định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN sau 2015: Quan điểm của các nước và Việt Nam,” tổ chức ngày 3/12, ở Hà Nội.
Định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2015 ảnh 1Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hội thảo “Định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN sau 2015: Quan điểm của các nước và Việt Nam,” tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội, với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Louise Chamberlain.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã điểm lại 3 nét nổi bật trong quá trình vận động của ASEAN 46 năm qua. Trước hết, ASEAN đã có những bước phát triển về chất, từ một Hiệp hội hợp tác lỏng lẻo với 5 nước đã phát triển thành một tổ chức gồm 10 quốc gia Đông Nam Á.

Đặc biệt, Hiến chương ASEAN ra đời tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho ASEAN tăng cường liên kết khu vực, với mục tiêu trước mắt là hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên ba trụ cột. Từ những bước phát triển đó, có thể thấy được sức sống nội tại mạnh mẽ của ASEAN.

Hiệp hội ngày càng có vai trò tích cực và chủ động trong xử lý các vấn đề quan trọng và chiến lược của khu vực; linh hoạt, năng động, nhanh chóng thích ứng trước những biến động.

46 năm qua đã chứng kiến thực tế sống động về sức sống của ASEAN, về sự dung hòa khéo léo những khác biệt và không phải ngẫu nhiên ASEAN được coi là tổ chức thành công nhất thế giới. Dù chỉ là một tập hợp của các nước vừa và nhỏ, ASEAN vẫn thu hút được nhiều đối tác quan trọng ở cả tầm khu vực và toàn cầu.

ASEAN đã tạo lập và thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong một cấu trúc khu vực đang định hình nhằm thúc đẩy và giữ vững môi trường an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Các đặc điểm này tạo nền tảng, động cơ và môi trường phát triển của ASEAN trong tương lai, tương ứng yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.”

Thứ trưởng nhấn mạnh: Tuy nhiên, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như khác biệt về ưu tiên chiến lược, năng lực quốc gia đang ngày càng rõ nét. ASEAN còn tồn tại những mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, xung đột giữa các quốc gia, chưa kể những thách thức chung về an ninh ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống (tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...).

Các nước lớn tăng cường can dự vừa tạo thuận lợi cho ASEAN và khu vực phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, có cả các hệ lụy về sự xây dựng lòng tin, vượt qua nghi kỵ, lợi ích riêng hẹp hòi, có thể tác động không nhỏ tới đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Thứ trưởng nhận định, tầm nhìn sau năm 2015 phải đáp ứng được mục đích tiếp tục hoàn thiện, là bước tiếp nối của Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, nói đến Tầm nhìn là nói đến hai tầng mục tiêu: ngắn-trung hạn và mục tiêu dài hạn: bao gồm những mục tiêu lý tưởng lớn mà ASEAN nên phấn đấu hướng tới trong những thập kỷ tiếp theo năm 2015. Những mục tiêu này đóng vai trò định hướng, làm động lực cho sự phát triển của ASEAN.

Từ cách tiếp cận đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đi sâu thảo luận cụ thể ở từng trụ cột, trong đó cần xác định rõ vai trò của từng trụ cột và quan hệ hữu cơ giữa ba trụ cột.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP cho rằng, Việt Nam đang trên con đường đạt được mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015 và đang ở vị trí thuận lợi của quá trình này. UNDP mong muốn hỗ trợ và tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về phát triển đối tác và đối thoại Nam-Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Giám đốc quốc gia UNDP nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong ASEAN, trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các nước cũng như trong nỗ lực đối mặt với các thách thức chung về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thúc đẩy Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, bảo đảm nhân quyền, chống tham nhũng.

Bà Louise Chamberlain chúc mừng ASEAN đã đạt được những bước tiến khả quan trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột kinh tế-chính trị và văn hóa-xã hội. Bà cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương và mong muốn Việt Nam có vai trò rõ nét hơn nữa trong các chương trình nghị sự sau năm 2015.

Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, cần phải có những hành động chung, phối hợp chung ở cấp độ khu vực và quốc gia, cũng như có sự thúc đẩy hỗ trợ, có những cơ chế hỗ trợ trong ASEAN. Chúng ta cần phải tuyên truyền đối với công chúng, với cộng đồng doanh nghiệp về những sáng kiến của cộng đồng kinh tế ASEAN.

ASEAN cũng đang phải đối mặt với các thách thức, thời gian qua, ASEAN đã có những sáng kiến bảo vệ khỏi những tác động của bên ngoài như sáng kiến Chiang Mai, hay hiệp định dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN. Trong bối cảnh chỉ còn 2 năm hướng tới cộng đồng ASEAN, Hiệp hội đang cố gắng xây dựng một tầm nhìn sau năm 2015.

Ông Lê Lương Minh nhận định, sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, ASEAN sẽ là một phần của thị trường tự do rộng lớn hơn. Đó là thị trường tự do Đông Á, bao gồm cả Cộng đồng ASEAN, 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác thương mại của ASEAN. Một thị trường rộng lớn với 3,3 tỷ dân và chiếm 1/3 GDP của thế giới. Trong bối cảnh như vậy, khả năng, cơ hội của các nền kinh tế ASEAN tăng trưởng và duy trì phát triển bền vững là rất lớn.

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh, từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột: chính trị-an ninh; kinh tế và văn hóa-xã hội. Việt Nam đã đóng góp nhiều và thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định của khu vực. Ngay trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam thực hiện ở tỷ lệ cao nhất, các biện pháp đề ra trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với vai trò của mình, Việt Nam là một trong những nước có đóng góp lớn trong quá trình hội nhập của ASEAN, đặc biệt trong việc tiến tới xây dựng Cộng đồng.

Trong hai ngày 3-4/12, các đại biểu sẽ tham gia 4 phiên thảo luận các vấn đề: Tổng quan về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng lớn sau năm 2015; Cộng đồng kinh tế ASEAN thực trạng và triển vọng sau năm 2015; Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN và mục tiêu hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN hướng về người dân; Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và hướng phát triển sau năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục