Đình và đền Chi Long - Công trình kiến trúc mang dấu ấn thời Lê

Đình và đền Chi Long là trung tâm tín ngưỡng để người dân Bắc Ninh gửi gắm niềm tin của mình đối với thần thánh và cũng là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.
Đình và đền Chi Long - Công trình kiến trúc mang dấu ấn thời Lê ảnh 1Toàn cảnh khuôn viên đình Chi Long. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Bắc Ninh được biết đến là cái nôi của Phật giáo ở Việt Nam, nơi có nhiều ngôi chùa và đình cổ kính. Bắc Ninh hiện có hơn 613 ngôi chùa trong đó có nhiều nơi được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Ngày nay, các di tích đình và chùa không chỉ là nơi mang sắc thái tâm linh mà còn là điểm đến tham quan cho nhiều du khách khi có dịp đến Bắc Ninh. Và đình Chi Long cùng đền Chi Long là hai trong những điểm thu hút rất đông du khách.

Đình Chi Long

Đình Chi Long thuộc xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, vốn được khởi dựng từ thời Lê, thế kỷ 17.

Đình Chi Long ở giữa làng, hướng Tây Nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Đình thờ Đô úy đại thần Nguyễn Hồng, thời Vua Lý Nam Đế, có công đánh bại quân nhà Lương xâm lược. Ngoài ra, đình còn phối thờ quận công Nguyễn Tiến Cơ.

Đình hiện nay có kết cấu kiến trúc kiểu “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh." Trong đó, Tiền tế gồm 3 gian để thông thoáng với khuôn viên, không xây tường bao và cửa. Bờ nóc có gắn hàng gạch hoa chanh.

Tiền tế kết cấu 4 hàng chân cột với bộ khung gỗ xoan chắc chắn, mới được xây dựng năm 2009. Bộ vì nóc kiểu chồng rường trụ cột trốn. Gian giữa tòa Tiền tế treo bức đại tự ghi “Vạn đại Chi Long” khắc năm 1930.

Từ tòa Tiền tế qua một khoảng sân nhỏ là tòa Đại đình. Đại đình gồm 5 gian tường hồi bít đốc, kết cấu 4 hàng chân cột với bộ khung gỗ xoan.

Vì nóc tòa Đại đình kiểu “thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ ngồi bảy hiên." Các bộ phận kiến trúc ít chạm khắc trang trí. Hậu cung gồm 2 gian nhỏ, kiến trúc kiểu chồng rường, không chạm khắc trang trí.

Hiện trong đình còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu thời Lê-Nguyễn có giá trị ý nghĩa lớn về tư liệu lịch sử, văn hóa tiêu biểu như bia đá; sắc phong, thần tích, ngai bài vị, long đình…

[Kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo, cổ kính ở đình, chùa Đồng Niên]

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá dỡ. Sau hòa bình, nhân dân dựng lại một ngôi nhà nhỏ trên nền đình cũ để làm nơi thờ thánh.

Đến năm 1993, nhân dân cùng nhau công đức xây dựng lại ngôi đình. Đình Chi Long được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Ngày nay, trong ngày lễ hội làng thường tổ chức tế lễ ở đình. 5 năm làng tổ chức rước 1 lần từ đình ra nghè, rước tiếp ra nhà thờ họ Nguyễn rồi quay lại đình làng. Trong những ngày lễ hội, thường tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, bóng chuyền, hát quan họ.

Đền Chi Long

Đền Chi Long cũng thuộc xã Long Châu, huyện Yên Phong, vốn được khởi dựng từ lâu đời. Đền thờ vị nhân thần Nguyễn Suý Đỗ Nhuận, có công giúp Vua Lê Lợi đánh giặc ở thế kỷ 15.

Đền hiện nay có kết cấu kiến trúc kiểu “chữ đinh” gồm Tiền đền và Hậu cung. Trong khuôn viên đền có nhiều cây gỗ lim cổ thụ, tạo nên cảnh quan thâm nghiêm, cổ kính cho di tích.

Tòa Tiền đền gồm ba gian, tường xây gạch, mái ngói bình đầu, gian giữa mở cửa gỗ bức bàn chân quay, có hiên rộng 1,2m, nối với hai gian cạnh bằng hai cửa nách bằng gỗ. 

Phía trước mặt đền xây hai cột đồng trụ đỉnh đắp nghê chầu, hai bên tường hai gian cạnh đắp nổi đôi voi quỳ. Mặt trước đền trên cột đồng trụ và cột gạch có 4 đôi câu đối. Trên bảy hai vì giữa trước hiên đền trang trí tùng, cúc, trúc, mai, chim, thú…

Trong tòa Tiền đền gồm 4 hàng cột ngang, 5 hàng cột dọc. Kết cấu hai vì giữa tòa Tiền đền kiểu cột trụ câu đầu xà nách, tiền bẩy hậu kẻ. Kết cấu hai vì gian cạnh gồm cột, câu đầu, sà cộc, tiền kẻ hậu kẻ.

Điều đáng chú ý của tòa Tiền đền là các mảng chạm khắc nghệ thuật thời Nguyễn trên kẻ, cốn, đầu dư; trên xà cách hai gian giữa có hai bức cốn chạm hình rồng cuốn thủy.

Phía trên của gian giữa tòa tiền tế có bức đại tự sơn son thếp vàng ghi 4 chữ Hán: Hiển ứng linh từ. Phía dưới là bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm chạm long ngủ rồng quấn.

Hậu cung nối với gian Tiền tế, ở giữa là cửa cấm bằng gỗ trang trí rồng ẩn trong mây, hai bên là hai cửa đi vào Hậu cung, phía trên mỗi cửa nách là 1 bức cốn chạm nổi hình rồng cuốn thủy sơn son thếp vàng.

Hiện trong đền còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu, có giá trị từ thời Lê, Nguyễn như thần tích; hương án; ngai bài vị; hoành phi, câu đối; bộ tam sự… Các cổ vật quý giá được người dân trân trọng, bảo vệ gìn giữ suốt nhiều thế hệ đã trở thành những di sản vô giá của di tích.

Đình và đền Chi Long - Công trình kiến trúc mang dấu ấn thời Lê ảnh 2Cổng đền Chi Long. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Trải qua thăng trầm lịch sử, chiến tranh, đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo. Song đây là một trong những di tích vẫn còn giữ được công trình kiến trúc mang nhiều dấu ấn thời Lê với những mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao.

Lễ hội truyền thống của đền vào ngày 25-27/8 hằng năm. Trong ngày lễ hội, làng tổ chức lễ rước từ đình ra đền, sau 3 ngày rước trở lại đình.

Đền Chi Long được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 1568/QĐ/BT ngày 01/6/1995./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục