Khai thác hiệu quả hoạt động du lịch tại các đô thị có lợi thế góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Định vị thương hiệu, quy hoạch hợp lý, phát triển gắn với bảo vệ môi trường là những vấn đề đặt ra cho phát triển các đô thị du lịch hiện nay.
Tạo dựng bản sắc
Đề cập về tình hình phát triển đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho hay tính đến năm 2021, Việt Nam có trên 860 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%.
Các đô thị là động lực phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kinh tế lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, không phải đô thị nào cũng là đô thị du lịch nếu chưa hội đủ các tiêu chí như có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; được quy hoạch theo hướng đô thị có chức năng chính là du lịch.
Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển du lịch, gắn với khai thác tài nguyên du lịch là chủ yếu và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị.
[Nha Trang và Vũng Tàu lọt top 10 bãi biển nổi tiếng nhất thế giới]
Ở Việt Nam, rất nhiều đô thị, nhất là các đô thị có biển là trung tâm du lịch hoặc là điểm đến du lịch trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang)…
Bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, cho rằng với các đô thị có thế mạnh phát triển du lịch, việc tạo dựng, định vị thương hiệu là một trong những sách lược quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hút cho đô thị du lịch.
Lựa chọn giá trị cốt lõi nhằm tạo dựng bản sắc đặc trưng và thương hiệu riêng cho đô thị du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thu hút thị trường khách du lịch cùng các nhà đầu tư.
Dẫn chứng từ đô thị Vũng Tàu, bà Nguyễn Thu Hạnh phân tích thiên nhiên ưu đãi cho Vũng Tàu nhiều lợi thế như vị trí giao thông thuận tiện, thế mạnh cảng biển, trung tâm dầu khí lớn nhất Việt Nam, khí hậu bốn mùa dễ chịu với bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp.
Quá trình hình thành, phát triển Vũng Tàu đã để lại nhiều dấu ấn đặc trưng và giá trị cốt lõi để hình thành nên bản sắc riêng của đô thị.
Những ấn tượng với du khách mà thành phố cần bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả là ấn tượng về một bến đậu bình yên với hình ảnh của những ngọn núi, một vùng đất ghi nhiều dấu ấn cùng với các di tích lịch sử.
Đồng thời đô thị này còn để lại trong du khách ấn tượng về đô thị giao lưu, hội tụ nhiều dòng văn hoá thông qua hệ thống các di tích tôn giáo nhà thờ, đình, chùa...
Đây chính là một trung tâm nghỉ dưỡng, tắm biển, chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia, quốc tế với hình ảnh các bãi tắm, khách sạn, trung tâm thương mại, theo phong cách kiến trúc hiện đại.
Một đô thị biển thông minh, hiện đại và năng động thông qua hệ thống các khu công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm sự kiện, lễ hội, vui chơi giải trí, mua sắm vận hành trên nền tảng của công nghệ số...
Đề cập đến bản sắc của đô thị du lịch Phú Quốc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết nằm trên vùng biển Tây Nam Bộ, Phú Quốc được xem là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Các loại hình du lịch biển ưu thế ở khu vực này đã được định hình như du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển đảo, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, du lịch sinh thái...
Nhìn nhận dưới khía cạnh quản lý đô thị, không gian công cộng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, Hà Văn Thanh Khương cho biết thêm Phú Quốc là đô thị loại II, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.
Phú Quốc có khoảng 150km bờ biển, chiều dài các bãi cát ven biển có khả năng phát triển du lịch (bãi tắm) khoảng gần 50km, được phân bố tại 18 bãi tắm công cộng.
Tại đây, nhiều không gian công cộng ven biển đã được quan tâm, đầu tư và trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố.
Quy hoạch và phát triển bền vững
Quan tâm vấn đề quy hoạch đối với các đô thị, nhất là đô thị biển, tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững, nhiều chuyên gia đánh giá, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu dẫn tới nguy cơ mực nước biển dâng cao và thiên tai xảy ra rất bất thường.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã rất quan tâm và đẩy mạnh công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đối với các đô thị ven biển và hải đảo.
Song, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết để phát huy hiệu quả hơn các thế mạnh của đô thị, trong đó có đô thị biển gắn với du lịch.
Nhìn từ đô thị biển Tây Nam Bộ, các Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy và Đỗ Đình Trọng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất, cần có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi môi trường để có thể ổn định phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kinh tế-du lịch.
Diễn biến phức tạp của hiện tượng nóng lên toàn cầu và những hệ quả khó lường của chúng trong tương lai, về lâu dài, các giải pháp nhằm chống lại và chế ngự thiên nhiên không còn phù hợp.
Thay vào đó, cần những tư duy khác đi và có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Vì vậy cần quy hoạch xây dựng dựa trên quy hoạch tích hợp nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên-xã hội của khu vực Tây Nam Bộ và thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, cần khai thác hợp lý, tăng cường các giải pháp quản lý sử dụng nguồn nước ngọt và bảo vệ vùng đất ven bờ, cửa biển, cửa sông; cân nhắc mức độ can thiệp đối với sử dụng đất hiện trạng, tránh tác động tiêu cực đối với các vùng nhạy cảm của địa phương.
Cũng theo Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy và Đỗ Đình Trọng, có thể gợi mở một số nguyên tắc định hướng quy hoạch đô thị biển theo quan hệ “cộng sinh” nhằm ứng phó biến đổi khí hậu như quy hoạch đô thị sinh thái, thành phố thông minh, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành đô thị…
Phó Giáo sư Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch, Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường biển Việt Nam, thành viên Tổ Chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia nêu ý kiến, để đẩy mạnh phát triển đô thị du lịch biển bền vững cần nhiều giải pháp trong đó có giải pháp pháp liên quan đến quy hoạch. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các đô thị du lịch biển hiện có, đặc biệt đối với không gian dải ven biển phù hợp với các nguyên tắc quy hoạch du lịch đối với các địa bàn, không gian các công trình dịch vụ ven biển và trên các hải đảo.
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch nói chung và đô thị du lịch biển nói riêng cũng cần được thực hiện phù hợp với khu trung tâm đô thị.
Khu trung tâm đô thị hiện có cần được ưu tiên gắn với hệ thống tiện ích và các công trình dịch vụ du lịch.
Trong điều kiện cho phép, cần quy hoạch khu vực dịch vụ, mua sắm, vui chơi giải trí riêng biệt, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân để đảm bảo hoạt động du lịch có thể diễn ra 24/24 giờ, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm đô thị mà ở đó du lịch sẽ là nòng cốt.
Các đơn vị chức năng cần có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch biển để đảm bảo trong tương lai gần, các đô thị du lịch nói chung, đô thị du lịch biển nói riêng ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh.
Đây chính là yếu tố tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp xu thế phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.
Liên quan đến quản lý không gian công cộng ven biển đô thị Phú Quốc, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương đề xuất, trên cơ sở các yếu tố đặc thù của thành phố Phú Quốc đã và đang triển khai thực hiện thông qua các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Phú Quốc tập trung hoàn thiện các quy hoạch chi tiết các khu vực không gian công cộng, trong đó lồng ghép các các cơ chế về đất đai, tài chính, thẩm quyền… làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đồng thời, hoàn thiện các quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, đề xuất các cơ chế đặc thù vào các quy hoạch để làm cơ sở thực hiện, đầu tư và kêu gọi đầu tư, phát huy lợi thế cạnh tranh của các không gian công cộng ven biển phục vụ dân cư và du khách./.