Sáng và trưa 29/1, tại một loạt các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh và cả chợ đầu mối phía Nam, Hà Nội không hề có tình trạng người dân tích trữ hàng hóa.
Ngược lại, người tiêu dùng có xu hướng cẩn trọng chọn lựa hàng hóa cho dịp Tết.
Cụ thể, tại Vinmart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trên các kệ hàng luôn đầy ắp các sản phẩm thiết yếu, rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt lợn, thị bò, gà... Dù là vào buổi trưa nhưng lượng người dân đến đây mua sắm không đông do hôm nay vẫn là ngày đi làm. Nhiều chương trình khuyến mại cũng được phía hệ thống siêu thị này đưa ra nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phố Võ Thị Sáu, cho biết chị đi mua thức ăn đủ dùng trong ngày, để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon, hàng hóa rất nhiều không việc gì phải tích trữ. Bên cạnh đó, siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá rất hấp dẫn, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả tươi còn được siêu thị giảm giá vào cuối ngày.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, dù là ngày trong tuần, người tiêu dùng đã có mặt từ sớm để mua sắm. Khách hàng tập trung ở khu vực bán hàng Tết như bánh kẹo, mứt tết, rượu vang,… Các khu vực bán hàng tươi sống, rau củ cũng có nhiều khách ngay từ sáng sớm.
Bác Bùi Thị Hằng (ở phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết bác vào siêu thị chủ yếu là mua sắm các mặt hàng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, chứ năm nay dịch bệnh phức tạp cũng hạn chế tụ tập đông người nên cũng không bày biện làm Tết quá to, không mua nhiều hàng, chỉ mua vừa đủ.
Trên các kệ hàng tại siêu thị đầy ắp hàng hóa. Ngay từ sáng sớm, các nhân viên siêu thị đã tấp nập xếp hàng lên quầy đồ. Mặt khác, giá cả của các mặt hàng tại đây không có tình trạng “sốt giá." Ngược lại, nhiều mặt hàng còn được khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo nhận xét của chị Đào Thị Thủy (ở đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), siêu thị năm nay có nhiều khuyến mãi, hàng hóa cũng đa dạng, nên người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, năm nay do có dịch bệnh nên người dân cũng như nhân viên siêu thị rất chấp hành việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, giãn cách khi tham gia mua sắm.
Liên quan đến việc chuẩn bị hàng hóa trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết hiện nay toàn bộ kho hàng của GO! Big C ở miền Bắc và miền Nam đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh (đầy đủ hàng ở cả kho mát và kho lạnh).
Vì tính chất đáp ứng nhu cầu dịp Tết, công ty đã chuẩn bị nhiều hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đến 300% so với tháng thường. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt COVID-19 trước đây như gạo, dâu ăn, nước mắm, mỳ gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn luôn có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.
[Hà Nội đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch COVID-19]
Tại các chợ dân sinh như Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, Chợ Hôm-Đức Viên, Phan Huy Chú, Kim Liên, Gốc Đề… nhịp độ mua sắm vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn chậm hơn những ngày khác. Theo các tiểu thương ở các chợ dân sinh, người dân không còn đổ xô đi mua sắm hàng hóa tích trữ như bùng dịch COVID-19 trong đợt đầu năm 2020 nữa.
Tại chợ đầu mối phía Nam, người dân tấp nập ra vào mua sắm hàng hóa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng được người tiêu dùng mua sắm nhiều chủ yếu là các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới. Hàng hóa đầy ắp các gian hàng. Công tác tuyên tuyên phòng chống dịch COVID-19 cũng được Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam triển khai dưới nhiều hình thức như dán pano áp phích, thông qua các loa phát thanh. Gần như 100% người dân đi chợ đều mang khẩu trang phòng chống dịch.
Ghi nhận tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc cũng không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua khẩu trang hay nước sát khuẩn.
Trước những thông tin về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện trở lại và có diễn biến phức tạp, tối 28/1, chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội phải hành động nhanh, nhạy bén và quyết liệt hơn nữa, không để chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, người dân hạn chế tối đa tụ tập đông người không cần thiết, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, đặc biệt phải đeo khẩu trang, sử dụng nước khử khuẩn, đo thân nhiệt; chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.
Việc chuẩn bị hàng hóa tại các siêu thị được triển khai từ trước, không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 mà những kịch bản về dịch COVID-19 nếu có bùng phát trở lại cũng đã được dự trù. Việc truyền thông đến người dân cũng được cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai. Do đó, dù dịch COVID-19 (đợt bốn) bùng phát trở lại, nhưng không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ./.