Doanh nghiệp dệt may "chống chọi" với khủng hoảng

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết trong quý I/2009, chỉ một số ít doanh nghiệp có thương hiệu và có nhiều khách hàng lớn truyền thống như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè là có nhiều đơn đặt hàng. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại do không có đơn hàng nên đang có kế hoạch thu hẹp 30-50% quy mô, năng lực sản xuất.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết trong quý I/2009, chỉ một số ít doanh nghiệp có thương hiệu và có nhiều khách hàng lớn truyền thống như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè là có nhiều đơn đặt hàng. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại do không có đơn hàng nên đang có kế hoạch thu hẹp 30-50% quy mô, năng lực sản xuất.

Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp đã phải giảm giờ làm, giảm chỉ tiêu tăng trưởng. Với tình trạng thị trường đang ''rơi tự do'' như hiện nay thì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành dệt may là 11,5 tỷ USD khó có thể đạt được.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2009 này nhu cầu hàng hóa của các thị trường lớn là Mỹ, EU sẽ giảm mạnh. Đặc biệt là thị trường Mỹ sẽ giảm nhập khẩu hàng dệt may trên 15%, do hiện tượng suy giảm kinh tế ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Mặt khác, ngành dệt may xuất khẩu cũng khó có thể duy trì được mức tăng trưởng khoảng 20-25% như các năm trước.

Hiệp hội dệt may cho rằng mục tiêu số một của các doanh nghiệp dệt may là bằng mọi cách phải cải thiện năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu bằng các mặt hàng chủ lực và tìm những thị trường mới, tiềm năng khi có điều kiện.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang chú trọng khai thác đơn hàng ở thị trường có lợi thế về thuế là Nhật Bản (thuế suất 0%), Trung cận Đông, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) nhằm bù đắp số đơn hàng thiếu hụt tại Mỹ, EU. Riêng tại Mỹ, có thể họ sẽ áp đặt cơ chế nhập khẩu đối với hàng dệt may của Trung Quốc và đây là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lại thị phần.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng cách xây dựng hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ dành 1% kim ngạch xuất khẩu để hỗ trợ thu nhập cho công nhân tại các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời chưa nên đề cập đến việc tăng giá điện, than cũng như các sản phẩm dịch vụ công cộng khác, để tránh gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xơ sợi từ 3% xuống còn 0%; giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được xuống 0%, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng.

Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn, chia sẻ đơn hàng cho nhau trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Cùng đó, mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp là phải cố gắng tìm kiếm hợp đồng mặc dù lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn song phải chấp nhận bán để tồn tại và tạo việc làm cho người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục