Doanh nghiệp Mỹ coi COVID-19 và thiếu hụt nhân lực là những rủi ro lớn

Các công ty Mỹ đã có một năm kinh doanh khả quan, song tất cả đều lo ngại về xu hướng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, dù vấn đề nguồn cung được dự báo sẽ hạ nhiệt.
Doanh nghiệp Mỹ coi COVID-19 và thiếu hụt nhân lực là những rủi ro lớn ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 14/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia (NABE) công bố ngày 24/1, các công ty Mỹ đã có một năm kinh doanh khả quan, song tất cả đều lo ngại về xu hướng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, dù vấn đề nguồn cung được dự báo sẽ hạ nhiệt.

Kết quả cuộc khảo sát theo quý của NABE về điều kiện kinh doanh cho thấy chỉ hơn 30% số chuyên gia kinh tế của các công ty được hỏi cho rằng xu hướng số ca mắc COVID-19 tăng nhanh là nguy cơ tiềm tàng lớn nhất đối với triển vọng kinh doanh.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu và tình trạng tắc nghẽn giao thông vận tải, lạm phát trở thành mối quan ngại ngày càng lớn đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ trong cả năm 2021.

NABE cho biết khoảng 70% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã ghi nhận doanh thu tăng trong quý 4/2021 và thậm chí là nằm trong số có mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Ba khảo sát gần đây cũng đưa ra kết quả tương tự.

Đáng chú ý, gần 70% những người được hỏi khẳng định doanh số của các công ty đã quay về mức trước khi khủng hoảng xảy ra. 

Người đứng đầu cuộc khảo sát, nhà kinh tế trưởng của công ty Boeing, Jan Hogrefe cho biết bất chấp tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nhân lực, các doanh nghiệp vẫn đạt được kết quả kinh doanh tích cực.

Theo NABE, khoảng 57% những người tham gia khảo sát phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, cao hơn 10% so với cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10/2021, trong khi 25% số người được hỏi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các lao động phổ thông, cao hơn nhiều so với con số chỉ 11% trong cuộc khảo sát trước đó.

[COVID-19: Doanh nghiệp Mỹ phải tăng lương để giữ chân người lao động]

Theo ông Hogrefe, cả hai tình trạng thiếu hụt trầm trọng đều ngày càng trở nên phổ biến trong năm qua. Gần 30% số người được hỏi cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động sẽ kéo dài đến năm 2023 hoặc lâu hơn.

Ngoài ra, chỉ có 11% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng các vấn đề về chuỗi nguồn cung sẽ kéo dài sang năm tới, trong khi một tỷ lệ tương tự cũng cho rằng đây là rủi ro chính. Các doanh nghiệp hiện vẫn bất đồng về dự báo khi nào các vấn đề sẽ chấm dứt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục