Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đề cao lao động cao tuổi

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ các công ty có chính sách sử dụng người lao động từ 70 tuổi trở lên tăng hơn gấp đôi trong 10 năm do tình trạng thiếu lao động.
Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đề cao lao động cao tuổi ảnh 1Người đàn ông 73 tuổi làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng ở Tokyo. (Nguồn: Bloomberg)

Theo báo Nikkei Asia, các công ty Nhật Bản đang ngày càng trông cậy vào những người lao động lớn tuổi để khắc phục tình trạng thiếu lao động.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ các công ty có chính sách sử dụng người lao động từ 70 tuổi trở lên đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm, tính đến năm 2022, lên mức 39%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có tuổi nghỉ hưu bắt buộc trên 65 tuổi tăng 12 điểm phần trăm lên 25% trong cùng giai đoạn này. Trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, công nhân từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 10% lực lượng lao động.

Nhiều công ty có rất ít sự lựa chọn vì đồng yen yếu trong thời gian gần đây khiến việc tuyển dụng lao động nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng những người lao động lớn tuổi có một nhược điểm là họ có nguy cơ bị tai nạn lao động cao hơn vì lý do tuổi tác và chủ sử dụng lao động cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn để đảm bảo an toàn cho nhóm người lao động này.

Công ty bán lẻ đồ điện tử Nojima ở thành phố Kawaguchi đã loại bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu vào năm 2021. Công ty này hiện sử dụng khoảng 30 công nhân từ 70 tuổi trở lên, trong đó có ba người từ 80 tuổi trở lên.

[Hàn Quốc đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng]

Ông Yutaka Tajima, một quản lý cấp cao của Nojima cho rằng giới hạn tuổi tác "không còn phù hợp với thời đại 'trăm tuổi' ngày nay" và "không tận dụng tốt người lớn tuổi là một sự lãng phí."

Bà Emiko Kumagai (81 tuổi), một nhân viên của Nojima, bày tỏ sự hạnh phúc vì cảm thấy mình có ích và không bị tụt hậu so với xã hội. Bắt đầu làm việc tại Nojima khi 69 tuổi, bà Kumagai hiện làm việc bốn ngày một tuần với đủ loại công việc từ sắp xếp hàng hóa và trưng bày cho đến giúp đỡ khách hàng.

Sau khi luật lao động của Nhật Bản được sửa đổi vào năm 2013, các công ty được yêu cầu sử dụng người lao động cho đến 65 tuổi nếu người lao động muốn. Các doanh nghiệp ban đầu phản đối sự thay đổi này vì sợ chi phí gia tăng, song giờ đây họ đang cạnh tranh để tuyển dụng lao động lớn tuổi nhằm đối phó với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Năm ngoái, những người trong độ tuổi lao động chiếm 59% dân số Nhật Bản, giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2000. Do khó khăn trong việc tìm kiếm lao động nước ngoài và tỷ lệ phụ nữ có con nhỏ tham gia lao động giảm sút, giới chủ buộc phải trông cậy vào người lớn tuổi để bù đắp cho số lượng lao động trong độ tuổi 15-64 tuổi đang giảm dần.

Năm 2022, trong số những người có việc làm có tổng cộng 6,39 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ kỷ lục 10,6%.

Các ngành đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng thường có tỷ lệ lao động lớn tuổi cao, trong đó tỷ lệ này là 15% trong ngành xây dựng và chăm sóc điều dưỡng, và hơn 10% trong ngành vận tải. Khoảng 30% tài xế taxi và xe buýt nằm trong nhóm từ 65 tuổi trở lên.

Ukita Sangyo Kotsu, một công ty điều hành xe taxi ở tỉnh Akita, phía bắc Nhật Bản, sử dụng khoảng 25 tài xế, hầu hết trong số họ từ 65 tuổi trở lên.

Chủ tịch công ty, ông Tadakatsu Ukita, cho biết: “Chỉ có một người nộp đơn xin việc tại công ty chúng tôi trong hai tháng” và thừa nhận rằng trong bối cảnh những người trẻ tuổi ngày càng có xu hướng rời khỏi địa phương, công ty của ông không thể tồn tại nếu không có những người lao động lớn tuổi. Trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, Akita có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số đang đi làm ở Mỹ và 4% ở Đức, thấp hơn nhiều so với con số 10,6% ở Nhật Bản.

Trong khi số lượng người lao động cao tuổi tăng lên, tai nạn lao động cũng gia tăng.

Năm 2022, số vụ tai nạn liên quan đến nhân viên từ 60 tuổi trở lên đã tăng 26% so với 5 năm trước lên khoảng 38.000 vụ, mức tăng cao hơn ba lần so với mức trung bình chung. Nếu người sử dụng lao động không quan tâm đến việc tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động lớn tuổi, thì năng suất tổng thể có thể bị ảnh hưởng.

Ông Takashi Sakamoto, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Độc lập Recruit Works Institute, cho rằng các công ty phải đầu tư vào tự động hóa và các phương tiện khác để khiến công việc ít đòi hỏi sức lực hơn đối với người cao tuổi.

Mặc dù nhu cầu lao động ngày càng tăng, nhưng tiền lương của nhóm người lao động cao tuổi lại không tăng. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, mức lương cho nhóm người lao động từ 65-69 tuổi trung bình tăng 6% trong 10 năm tính đến năm 2022, nhưng mức lương của những người từ 70 tuổi trở lên lại giảm 9% trong cùng kỳ.

Những công việc tốt không phải lúc nào cũng dành cho những người lao động từ 70 tuổi trở lên. Trên thực tế, những người này thường phải nhận những công việc bị những người lao động trẻ tuổi xa lánh vì lương thấp và khó khăn về thể chất.

Để xây dựng đất nước hùng mạnh và cạnh tranh, Nhật Bản cần thúc đẩy sự tham gia của người lao động cao tuổi vào lực lượng lao động. Nhưng để làm được điều đó, chính phủ và các ngành phải hợp tác chặt chẽ trong việc tạo ra môi trường làm việc tốt hơn cho người cao tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục