Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm

Nhu cầu nhập khẩu sẽ nhích dần lên từ tháng 7, tháng 8 và cải thiện nhiều hơn trong quý cuối của năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mùa lễ, tết được cho là cơ hội giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi.
Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2023 liên tục đà giảm, tuy nhiên mức giảm tháng sau thấp hơn tháng trước đang giúp các các doanh nghiệp hy vọng vào khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%; trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ, đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 6 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 156 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục giảm 29%, đạt 64 triệu USD, xuất khẩu các loại cá biển khác giảm sâu hơn tháng trước với mức giảm 17% đạt 157 triệu USD, dù những tháng trước có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ trong tháng 6 cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ; trong khi đó, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt trên 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ.

[Không chắc chắn về mục tiêu xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 10 tỷ USD]

Phân tích nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu ở các mặt hàng, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep, cho rằng ngoài những khó khăn do sức tiêu thụ của thị trường kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào đều tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên.

Đối với hải sản, những tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ hoặc chỉ giảm rất ít nhưng từ tháng 6 tăng trưởng âm nhiều hơn do áp lực thiếu nguyên liệu và sự kiểm soát ngày càng chặt của thị trường nhập khẩu, điển hình là thị trường EU, liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm và quy định chống khai thác IUU.

Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dự báo những tháng tiếp theo, bà Lê Hằng đánh giá các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... tiếp tục bị chi phối bởi lạm phát và tồn kho.

Cụ thể, lượng tồn kho thủy sản đang được giải tỏa dần ở các thị trường sau thời gian dài các nhà nhập khẩu giảm mua, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU.

Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Ở những thị trường này, thủy sản Việt Nam chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu đi hầu hết thị trường lớn đều giảm mặt hàng mực, bạch tuộc xuất vào Nhật Bản, Malaysia, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines có tín hiệu tích cực hơn, ghi nhận tăng trưởng từ 15-75%.

Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do.

Đối với ngành tôm, ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh nhận định, sau hơn nửa năm giảm nhập khẩu, lượng tồn kho ở hầu hết thị trường như Mỹ, EU đã giải phóng gần hết, trong khi đó mùa du lịch, mùa lễ hội cuối năm và các chương trình kích cầu ở các thị trường có thể sẽ thúc đẩy lượng nhập khẩu tăng dần lên trong những tháng tới.

Theo ông Đỗ Ngọc Tài, trong bối cảnh lạm phát, người dân nhiều nước thắt chặt chi tiêu còn giá thành tôm của Việt Nam cao hơn các nước khác nên việc cạnh tranh khá căng thẳng. Tuy nhiên, đối với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và hàng chế biến sâu như EU hay Nhật Bản, tôm Việt vẫn có lợi thế nhất định.

Dự báo ở các thị trường này, nhu cầu nhập khẩu sẽ nhích dần lên từ tháng 7, tháng 8 và cải thiện nhiều hơn trong quý cuối cùng của năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mùa lễ, tết. Vấn đề các doanh nghiệp thủy sản cần làm hiện nay là phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu và cải thiện khả năng cạnh tranh để chớp lấy cơ hội xuất khẩu ngay khi thị trường hồi phục.

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, mới đây Vasep đã có công văn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét việc giảm lãi suất tiền vay, đặc biệt là vay bằng đồng USD; giãn nợ các khoản vay đến hạn và tiếp tục cho vay theo hạn mức để doanh nghiệp có thể duy trì việc thu gom nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Vasep cũng đề nghị cơ quan thuế đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đồng thời kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023 để giảm áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua gia đoạn khó khăn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục