Ngày càng nhiều các công ty tư nhân Trung Quốc chuyển hướng đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường nước ngoài.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp này đã tạo ra các làn sóng mua bán và sáp nhập ở nước ngoài, tham gia tất cả các lĩnh vực, từ bất động sản tới thực phẩm.
Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba thế giới. Kể từ khi cải cách và mở cửa thị trường vào cuối những năm 1970, vốn đầu tư của Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài tính đến cuối năm 2013 đã lên tới 600 tỷ USD.
Riêng trong năm 2013, vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 104,5 tỷ USD. Trong số đó, vốn đầu tư của các công ty ngoài quốc doanh tại Thượng Hải đã đạt 5,83 tỷ USD trong 5 năm qua, chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Zhang Lizhou, quản lý mảng ngân hàng đầu tư của China Minsheng Banking, lĩnh vực công nghiệp mạnh lên và tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân nước này vươn ra thị trường thế giới.
Ông Zhang phát biểu: "Trước đây, các công ty bất động sản, năng lượng và chế tạo đều làm ăn phát đạt ở Trung Quốc, nhưng giờ tình hình rất khó khăn. Việc dư thừa công suất đã ảnh hưởng tới một loạt lĩnh vực, như sản xuất thép, quang điện và đóng tàu. Các công ty tư nhân vì thế phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài."
Kết quả khảo sát do Asia Society (Mỹ) phối hợp thực hiện cùng tập đoàn tư vấn Rhodium cho thấy sự bùng nổ đầu tư nước ngoài của các công ty tư nhân Trung Quốc có thể xuất phát từ một loạt yếu tố như đồng nhân dân tệ lên giá, giá bán các tài sản nước ngoài tương đối thấp.
Ngoài ra, theo báo cáo của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), các công ty Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài.
Không giống như các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp như năng lượng, điện lực và tài nguyên, các công ty tư nhân nước này lựa chọn những cách đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư, đầu tư vào hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ và công nghệ cao./.