Đại diện các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam cho biết đã chủ động tăng cường mạng lưới, sẵn sàng đối phó với nghẽn mạng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Tăng cường mạng lưới
Nguồn tin MobiFone cho hay, đơn vị này đã hoàn tất công tác chuẩn bị về kỹ thuật, nâng cao năng lực mạng lưới, tối ưu hóa các tổng đài, lên kế hoạch chi tiết nhân sự cán bộ kỹ thuật trực Tết và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của khách hàng trong dịp Tết.
Cụ thể, nhà mạng này đã mở rộng dung lượng hệ thống mạng lõi để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu liên lạc của khách hàng. Hệ thống máy chủ của MobiFone có khả năng đáp ứng cho hơn 50 triệu bản tin nhắn trong 1 giờ, dự kiến đủ cho nhu cầu tăng dung lượng vào thời gian cao điểm.
Cùng lúc, các đơn vị kỹ thuật của MobiFone đã tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống công trình nhà trạm, đường dây thông tin đảm bảo quy chuẩn, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nguồn điện dự phòng, chủ động, sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trong khi đó, tại các khu vực lễ hội, điểm bắn pháo hoa, nơi có khả năng lưu lượng thoại, tin nhắn và lưu lượng data tăng đột ngột, nhà mạng đã tối ưu hóa mạng để triển khai các phương án chống nghẽn và điều động, bố trí các xe thu phát sóng lưu động tại các vị trí này.
Trong khi đó, đại diện Viettel cho hay, nhà mạng triển khai nhiều giải pháp như phát sóng trạm mới, bổ sung tài nguyên, nâng cấp dung lượng, chuẩn bị hàng trăm xe thu, phát sóng lưu động... Mỗi chiếc xe này có năng lực phục vụ tương đương với 4 trạm thu phát sóng thông thường. Bên cạnh đó, gần 220 bộ phát wifi cũng được lắp đặt tăng cường tại các điểm trọng yếu, đông người như khu trung tâm, nhà ga, bến xe…
Phía Viettel cũng xác định đây là thời điểm người dùng có nhu cầu di chuyển nên đã rà soát, tối ưu lại các tuyến đường quốc lộ, các thủ phủ tỉnh/huyện. Theo cơ sở dữ liệu phân tích hàng năm, các tỉnh được dự đoán sẽ có lượng khách hàng di chuyển đi nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh có khách hàng di chuyển đến nhiều nhất là Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, An Giang.
Tương tự, phía VinaPhone khẳng định đã sẵn sàng đảm bảo thông tin liên lạc với việc khẩn trương thực hiện các dự án mở rộng mạng và các kế hoạch đã xây dựng để nâng cấp, đấu nối tăng cường năng lực mạng phục vụ Tết Nguyên đán.
Nhà mạng này thực hiện san tải, tối ưu năng lực mạng nhằm đảm bảo an toàn thông tin và tài nguyên phục vụ phát sóng; rà soát các khu vực có sự kiện lớn tại các tỉnh và thành phố tập trung lượng thuê bao cao để có phương án điều chỉnh cấu hình hoặc phát sóng lưu động.
Điểm nhấn 4G
Một trong những điểm đáng chú ý của nhà mạng năm 2018 chính là việc 4G được thương mại hóa và phủ sóng rộng khắp. Qua đó, người dùng có thể livestream, chia sẻ hình ảnh, video… trong ngày Tết cổ truyền.
Đại diện Viettel cho hay, đây là Tết đầu tiên một số hệ thống do chính Viettel nghiên cứu, sản xuất như trạm BTS 4G, Hệ thống tính cước, Tổng đài chuyển mạch, Hệ thống nhạc chuông chờ, Hệ thống tin nhắn... Đây là mốc chuyển dịch quan trọng, đánh dấu sự làm chủ mạng lưới của đơn vị này.
Sau hơn 10 tháng chính thức khai trương, mạng 4G đã chiếm 50% lưu lượng toàn mạng của Viettel. Vừa qua, Viettel đã tiếp tục triển khai phát sóng thêm 1.000 trạm, nâng tổng số trạm 4G lên hơn 37.000 trạm và phủ sâu rộng khắp toàn quốc.
Phía MobiFone thì cho hay, trước xu thế tăng trưởng mạnh của nhu cầu sử dụng dịch vụ data, đặc biệt là sự phát triển của mạng 4G, MobiFone đã tiến hành mở rộng dung lượng các đường kết nối Internet lên khoảng 200Gbps (tăng hơn 80% so với năm 2016) đảm bảo lưu thoát lưu lượng các dịch vụ data lớn...
Trong khi đó, đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT, đơn vị chủ quản của VinaPhone) cho biết, trong năm 2017, đơn vị này đã hoàn thành phát sóng khoảng 24.185 trạm di động (2G, 3G, 4G) trên toàn quốc, nâng tổng số trạm lên xấp xỉ 80.000 trạm.
Trong khi đó, phía VinaPhone đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tối ưu năng lực phục vụ của hệ thống. Các giải pháp tập trung vào việc củng cố và mở rộng vùng phủ sóng VinaPhone; chống nghẽn lưu lượng thoại, dịch vụ 3G, tin nhắn (SMS) cục bộ tại các khu vực trọng điểm...
Cùng với hạ tầng mạng lưới, các nhà mạng đều cho biết đã bố trí đội ngũ nhân viên trực xử lý và hỗ trợ khách hàng cũng như nhân sự kỹ thuật để theo dõi, giám sát mạng lưới, đặc biệt ở các điểm nóng, tập trung đông người trên toàn quốc, sẵn sàng triển khai giải pháp khi lưu lượng tăng cao hơn so với dự đoán.
Thực tế vài năm gần đây, việc nghẽn mạng trong những ngày lễ, tết là rất hiếm. Tuy nhiên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng nói trên của các nhà mạng là không hề thừa, đặc biệt trong bối cảnh người dùng ngày càng sử dụng nhiều data để truyền dữ liệu./.