Huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ có trên 83.000 người sinh sống tại 17 xã, thị trấn, trong đó dân tộc Mường chiếm 70%.
Người Mường ở huyện Yên Lập hiện vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó nổi bật nhất là Lễ hội Mở cửa Rừng” (tiếng Mường là Đooc Moong) ở xã Minh Hòa.
Độc đáo Lễ hội Pồôn Pôông của người dân tộc Mường ở Thanh Hóa
Lễ hội Pôồn Pôông, gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương, được người Mường tổ chức với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc.
Lễ hội Mở cửa Rừng ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, với ý nghĩa mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới của người Mường; cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện ước nguyện, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, sung túc đủ đầy, bản làng hòa thuận vui vẻ.
Đây là một trong số những lễ hội gắn với tín ngưỡng cầu mùa, canh tác của người Mường cổ.
Lễ hội diễn ra với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ tái hiện mô phỏng cuộc đi săn của các phường săn xưa. Bắt đầu nghi thức đi săn, một người săn giỏi (trùm săn) sẽ cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Các tay săn còn lại trong phường tỏa ra vây, tìm chỗ đón lõng thú rừng ở các khe, các lối mòn đợi chờ con thú đi qua.
Mỗi lần đi săn các tay thợ sẽ sử dụng chó săn được huấn luyện tìm theo dấu con mồi. Khi thú rừng trong vòng vây, các tay săn dần khép vòng vây, dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh, quây bắt muông thú. Sau khi các tay săn đưa con thú trở về điểm tập kết ban đầu, một hồi cồng kéo dài được cất lên, báo hiệu cuộc đi săn kết thúc.
Lễ hội Mở cửa Rừng thu hút nhiều người tham gia tự nguyện một cách rất vui vẻ. Nếu buổi hôm đó săn được thú, làng Mường vui mừng đánh cồng, gõ phách. Họ khiêng con thú đến sân miếu, sân đình. Ông mo thay mặt dân xã mặc áo thụng, đội mũ tai én làm lễ khấn vị thánh hoặc Thành hoàng phù trợ cho người dâ mùa màng tươi tốt. Nếu không săn được thú gì, dân bản thay bằng dê, lợn, có khi là bò để cúng thần.
Bên cạnh các nghi thức lễ tế là phần hội tưng bừng náo nhiệt với các tiết mục văn nghệ dân gian như hát giang, hát ví, múa mỡi, múa sênh tiền, hò đu, đâm đuống… và những trò chơi dân gian như kéo co, đi cầu, chọi bi, thi đấu thể thao như bóng chuyền, bắn nỏ… Âm vang của tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, hòa cùng tiếng hò reo, nói cười làm bừng lên không khí vui tươi, sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động trước một mùa khai sơn mới.
Lễ hội Mở cửa Rừng trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người Mường ở Phú Thọ. Đây là một hình thái sinh hoạt đặc biệt với tổng hòa văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, có vai trò quan trọng trong tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị về tính cố kết cộng đồng. Trong đó, hội đi săn thú là quan trọng nhất và mang tính cộng đồng rõ nét nhất, có ý nghĩa mở đầu cho một mùa làm ăn, lao động gặp nhiều may mắn, đem lại những kết quả tốt đẹp.
Sau một thời gian bị mai một, từ năm 2014 đến nay, Lễ hội Mở cửa Rừng được phục dựng và tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch huyện Yên Lập.
Tại lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Mường được tổ chức như múa trống đu, hò đu, múa mỡi, múa sênh tiền, đâm đuống, hát giang, hát ví… và những trò chơi dân gian như kéo co, đi cầu kiều, chọi bi, thi đấu thể thao như bóng chuyền, bán nỏ, đánh cờ tướng… và trưng bày một số trang phục, dụng cụ lao động, sản vật đặc trưng văn hóa Mường được tổ chức, tạo không khí tưng bừng phấn khởi trong ngày hội
Song hành cùng với những nỗ lực chung trong việc phục dựng và bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo thì cấp ủy chính quyên và nhân dân trong huyện đã và đang xúc tiến xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm hấp dẫn.
Với những giá trị độc đáo, Lễ hội Mở cửa Rừng của người Mường ở Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Đây được xem là động lực giúp cộng đồng người Mường nơi đây tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Mở cửa Rừng./