Độc đáo Lễ Idul Fitri tại một gia đình Hồi giáo ở Indonesia

Sau một tháng thực hành nhịn ăn từ khi Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn, các gia đình sẽ tổ chức lễ Idul Fitri với những bữa tiệc linh đình và ấm cúng.

Gia đình sum họp. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Gia đình sum họp. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Lễ Idul Fitrihay, hay còn gọi là Lebaran, đánh dấu kết thúc Tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo.

Năm nay, Lễ Idul Fitri ở Indonesia được giới chức Đạo Hồi xác định là ngày 10/4.

Sau một tháng thực hành nhịn ăn từ khi Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn, các gia đình sẽ tổ chức lễ Idul Fitri với những bữa tiệc linh đình và ấm cúng.

Dịp này có kỳ nghỉ dài nhất trong năm nên các gia đình đều sum họp và dành thời gian cho nhau.

Căn nhà của ông Aman Sentosa (83 tuổi) và bà Risartina (79 tuổi) nằm ở khu Selong, Nam Jakarta.

vnp_1004_Idul Fitrihay (2).jpg
Dịp này có kỳ nghỉ dài nhất trong năm nên các gia đình đều sum họp và dành thời gian cho nhau. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn mạnh khỏe bên nhau là điều thật đáng quý.

Căn nhà nhỏ của ông bà hôm nay đông vui ấm áp hơn hẳn thường ngày vì gia đình cả ba người con trai và khá đông họ hàng đến thăm. Trong đó, ở xa nhất có vợ chồng người em họ của ông ở thành phố Padang, tỉnh Sumatra, cách gần 1.300km.

Các cháu nhỏ ùa vào nhà, lần lượt chào hỏi người lớn. Cách chào người lớn tuổi hơn trong phong tục của người Hồi giáo mang ý nghĩa của sự tôn trọng, đầu cúi thấp và bắt tay, sau đó để tay vào tim hoặc nâng tay người lớn chạm vào trán để thể hiện tình cảm chân thành.

vnp_1004_Idul Fitrihay (1).jpg
Bé gái chào ông. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Ông Aman Sentosa giảng giải: Vào dịp lễ Idul Fitri, con cháu thường đến thăm ông bà, bố mẹ, các bậc cao niên và mong được tha thứ những lỗi lầm dù chỉ là những lỗi vô tình mắc phải. Sự bao dung sẽ giúp con người yêu thương nhau hơn.

Sự tha thứ cũng giúp con người đón nhận một khởi đầu mới trong lễ Idul Fitri. Vì vậy, Idul Fitri cũng được coi là dịp thúc đẩy sự hòa hợp và hiểu biết chung trong xã hội Hồi giáo.

Cũng giống như nhiều gia đình khác, gia đình ông bà Aman Sentosa đã thành truyền thống coi Idul Fitri là một ngày tràn ngập niềm vui với đồ ăn phong phú trong các bữa tiệc, buổi tối có pháo hoa và mọi người đều mặc quần áo đẹp, trẻ em được tặng những đồng tiền mới để mang lại sự may mắn.

Một bàn tiệc đã được chuẩn bị với các món ăn truyền thống như món rendang từ thịt bò được nấu rất kỳ công, món gà nướng với gia vị đặc biệt, món tôm balado được nấu với bột ớt và gia vị, món trộn với phồng tôm và nước sốt, món rau gulai, món ketupat (cơm nấu trong lá dừa đan lại)...

vnp_1004_Idul Fitrihay (3).jpg
Bữa tiệc open house gồm nhiều món ăn truyền thống. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Khách đến thăm cũng là người nhà, nên thoải mái lấy đồ ăn và cùng trò chuyện trong lúc thưởng thức các món ăn.

Không khí gia đình ấm áp, quây quần bên nhau trong dịp lễ Idul Fitri, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, thực hành các nghi lễ của đạo Hồi, nói với nhau những lời tốt đẹp và tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm... là những nét truyền thống lâu đời của các gia đình Hồi giáo tại Indonesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục