Độc đáo Lễ tảo mộ trong Tết Ramưwan của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Mộ của người Chăm không xây dựng kiên cố, chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất, được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Tại đây, các gia đình, bày biện đồ cúng, ngồi thành vòng dài quanh mộ theo từng dòng tộc.

Điều độc đáo là mộ của người Chăm không xây dựng kiêng cố, chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Điều độc đáo là mộ của người Chăm không xây dựng kiêng cố, chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 9/3, đồng bào Chăm ở Bình Thuận đã tập trung tại nghĩa trang người Chăm (hay còn gọi là động đỏ) tại huyện Bắc Bình để thực hiện nghi thức tảo mộ ông bà, tổ tiên, mở đầu cho Tết Ramưwan cổ truyền của người Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà Ni) sống trên địa bàn.

Từ sáng sớm, hàng nghìn người mặc trang phục truyền thống với mâm đồ cúng tươm tất trên tay đã bắt đầu hào hứng đi tảo mộ.

Điều độc đáo là mộ của người Chăm không xây dựng kiên cố, chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Những hòn đá này xếp thành những hàng dài đều đặn.

Tại đây, các gia đình, dòng tộc bày biện đồ cúng, ngồi thành vòng dài quanh mộ theo từng dòng tộc.

Thầy Char là người chủ lễ cúng, tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết.

Đồ cúng trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm trầu cau, thuốc, nước uống và bánh kẹo… Đồ cúng không theo quy chuẩn nào, tùy vào điều kiện từng gia đình có gì cúng đó.

Lễ tảo mộ là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan. Để chuẩn bị cho lễ này, trước đó vài ngày, các tộc họ đã đến làm cỏ, vun cát cho các ngôi mộ.

Đây là một phong tục, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chăm Bà ni, để tưởng niệm, thể hiện sự biết ơn tổ tiên và dòng tộc, cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng.

Theo những người đi tảo mộ, Tết cổ truyền Ramưwan là sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm.

Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt, Tết Ramưwan của người Chăm gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau.

Sau lễ tảo mộ, các gia đình, dòng tộc sẽ trở về nhà cúng tổ tiên, vui chơi và sau đó các thầy Char sẽ vào chùa để thực hiện tháng chay niệm Ramadan.

Để thuận lợi cho bà con đón Tết Ramưwan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào được đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Đồng thời, động viên đồng bào vui Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất; ổn định về mọi mặt đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục