Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Những ‘thiên thần’ thầm lặng

Mỗi thành viên của 'FAS Angel' là một mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi, nghề nghiệp… Song, giữa họ có một điểm chung là tinh thần vì mọi người, sẵn sàng lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng.
Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Những ‘thiên thần’ thầm lặng ảnh 1Anh Phạm Quốc Việt thành lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel với mục đích giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố Thủ đô. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Với nhiều trường hợp tai nạn, sơ cứu kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng thương vong. Hơn ba năm qua, hình bóng của những thanh niên với dòng chữ “Đội hỗ trợ sơ cứu-FAS Angel” in trên áo đã trở nên quen thuộc trên các cung đường của thành phố Hà Nội.

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại

“Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi,” đó là quan điểm của anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở Nam Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) - người thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (First Aid Support Angel - Hỗ trợ sơ cứu). Thấu hiểu cảm giác cô độc và bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông tại Tuyên Quang năm 2016, anh Việt quyết tâm vận dụng những kiến thức sơ cứu đã được học trong quân ngũ để bắt đầu hành trình giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố Thủ đô. “Không bỏ rơi ai cả” là tôn chỉ mà anh luôn nhắc nhở các thành viên của đội từ những ngày đầu.

[Tài xế Grab lập nhóm sơ cứu lưu động giúp người bị tai nạn giao thông]

Hiện tại, đội FAS Angel có 107 thành viên. Từ 21 giờ đến 1 giờ sáng, các thành viên chia thành 10 vùng, mỗi vùng có khoảng từ 2 đến 3 xe máy, túc trực tại những tuyến đường hay xảy ra tai nạn như đường Vành Đai 2, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Hoàng Cầu, đường Vành Đai 3, Nguyễn Trãi,... Toàn đội thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn qua một nhóm chat chung để kíp trực kịp thời hỗ trợ. Những hình ảnh cũng được cung cấp cho lực lượng chức năng và người nhà nạn nhân để nắm được tình hình.

Từ năm 2017 đến tháng 9/2019, anh Việt học thêm nhiều kiến thức sơ cứu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tích lũy những kinh nghiệm thực tế để hướng dẫn các thành viên khác trong đội. Đến nay, trung bình mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau.

Vào giai đoạn giữa tháng 9/2021, sau khi chứng kiến nhiều nạn nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời, do các xe cấp cứu quá tải trong mùa dịch, anh Việt nhận thấy sự cấp thiết của việc có một chiếc xe ôtô để vận chuyển nạn nhân trong những trường hợp tai nạn nghiêm trọng.

Cuối tháng 12/2021, sau một tháng kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng và những nhà hảo tâm, đội đã hoàn thành mục tiêu 250 triệu đồng để mua một chiếc xe cứu thương cũ, đưa các nạn nhân trong những trường hợp khẩn cấp đến bệnh viện kịp thời. Không gian rộng giúp xe chở được tối đa 3 nạn nhân - điều theo anh Việt là rất quan trọng, bởi một vụ tai nạn nghiêm trọng thường có khoảng 2 nạn nhân. Trước đó, các dụng cụ y tế như nẹp cố định xương, cáng cứu thương và bình oxy khó có thể mang theo xe máy. Anh Việt cũng cho biết không gian xe sẽ trở thành một kho chứa đồ lưu động, cung ứng vật tư y tế cho những phương tiện khác của đội.

Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Những ‘thiên thần’ thầm lặng ảnh 2Mỗi thành viên đều được phân công những nhiệm vụ cụ thể, song tất cả đều có chung một mục tiêu là giúp đỡ những người gặp nạn trên đường phố. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Bạn Nguyễn Thị Mai (sinh năm 2002, quê ở Nghệ An) là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của đội hỗ trợ cứu hộ FAS Angel. Trong lần chứng kiến đội sơ cứu cho người bạn của mình, Mai đã bị thuyết phục bởi sự nhiệt tình và tận tâm của những “thiên thần” giao thông và quyết tâm trở thành một phần của đội. “Tuy thời gian gắn bó chưa lâu, nhưng mỗi ngày được tham gia công tác cứu hộ khiến mình thêm cảm phục những hành động ý nghĩa của đội và mong muốn góp sức mình nhiều hơn để hỗ trợ cộng đồng," Mai nói.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Việt mong muốn có thể nhân rộng mô hình của đội đến nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu cứu hộ của cộng đồng. Anh cũng hy vọng trong vòng 3 năm tới có thể lập ra những trạm cứu hộ và dịch vụ sửa chữa xe tai nạn tại Hà Nội, với mong muốn trang bị thêm kiến thức về sơ cứu và sửa chữa xe cho nhiều người.

Những thiên thần mang món quà ‘hy vọng’

Kinh phí duy trì hoạt động là một trong nhiều trở ngại, khi anh Việt và các thành viên của đội làm nhiều ngành nghề khác nhau như lái xe công nghệ, nhân viên lễ tân, bán hàng..., nên kinh tế rất khó khăn. Với thu nhập ít ỏi, hàng tháng toàn đội vẫn đóng góp quỹ để mua các dụng cụ y tế hỗ trợ công việc. Hiện tại, đội có thêm ôtô cũng phát sinh nhiều khoản chi phí về xăng dầu, bến bãi...

Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Những ‘thiên thần’ thầm lặng ảnh 3Duy trì hoạt động của đội không phải là điều dễ dàng, song anh Việt và các thành viên của FAS Angel luôn nỗ lực cân bằng nhu cầu của bản thân với công tác thiện nguyện vì cộng đồng và xã hội. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Trong hơn ba năm, nhiều thành viên đã dừng hoạt động vì những mối lo cơm, áo, gạo, tiền... Anh Việt tâm sự: “Ai cũng mưu cầu cuộc sống đủ đầy, song quan niệm về sự đủ đầy với mỗi người là khác nhau. Với tôi, hao tổn về vật chất không so sánh được với những hao tổn về sức khỏe và tính mạng con người. Quan trọng là mỗi người có thể cân bằng được nhu cầu của bản thân với các hoạt động vì cộng đồng.”

Là một trong năm thành viên đầu tiên của đội, anh Đỗ Tiến Dũng (sinh năm 1991, quê ở Hà Nội) chia sẻ về lý do gắn bó với công việc của đội: “Như nhiều thành viên khác, tôi cũng có những khó khăn trong cuộc sống. Song mỗi ngày đồng hành cùng đội để cứu giúp những người bị nạn, tôi càng thêm trân trọng những giá trị của cuộc sống, rằng không có món quà nào trao gửi  đến người khác có ý nghĩa hơn là sự hy vọng.”

Trong thời gian thực hiện công tác cứu hộ, anh Việt cho biết có khoảng 70% số vụ tai nạn có liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Gần nhất, một vụ tai nạn ở đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có dấu hiệu của việc sử dụng rượu bia, khiến một nạn nhân tử vong tại chỗ; 3 người bị thương rất nặng đã được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời bằng xe cứu thương của đội.

Chứng kiến nhiều người có thái độ thờ ơ, xem nhẹ sức khoẻ và tính mạng của bản thân, dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc, anh Việt mong muốn cộng đồng sẽ tỉnh táo hơn khi lựa chọn các phương án tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội.

Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Những ‘thiên thần’ thầm lặng ảnh 4Bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa rét, các thành viên của FAS Angel vẫn túc trực tại các điểm đen của giao thông, sẵn sàng sơ cứu cho những người bị nạn. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tinh thần đùm bọc, chung tay giúp đỡ những người bị nạn cũng cần được chú trọng hơn trong công tác cứu hộ. Cộng đồng có thể gọi đến số hotline của đội (0822.510.627) để được hướng dẫn cách sơ cứu; hoặc chụp ảnh tình trạng của nạn nhân, gửi vị trí để đội có mặt kịp thời, sơ cứu hiệu quả và giúp được nhiều trường hợp hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục