Đổi mới giáo dục để đạt mục tiêu phát triển toàn diện con người

Trong suốt 70 năm qua, phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” đã luôn được ngành giáo dục thực hiện.
Đổi mới giáo dục để đạt mục tiêu phát triển toàn diện con người ảnh 1Các học sinh tham gia vẽ tranh tại Ngày hội đội viên “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và chúng ta phải thực hiện ngay "Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành.” (Bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946).

Trong suốt chiều dài 70 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, mục tiêu đào tạo con người toàn diện, phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” đã luôn được ngành giáo dục thực hiện.

Xây dựng xã hội từ nền tảng tri thức

Với tỷ lệ 94% người Việt Nam biết chữ, từ năm 1990, Liên hợp quốc đã công nhận chỉ số phát triển con người của Việt Nam đạt 0,463. Trong những năm đổi mới, chỉ số này tăng lên là 0,610 và đưa Việt Nam vào trong nhóm những nước có trình độ phát triển cao.

Từ đó đến năm 2013, chỉ số này là 0,638, đứng thứ 121/190 nước và vùng lãnh thổ. Riêng về chỉ số giáo dục qua tiêu chí về người biết chữ, chúng ta đứng ở khoảng trung bình (đứng thứ 70-80) trong các nước thành viên của Liên hợp quốc.

Qua 70 năm xây dựng, phát triển đất nước, từ một đất nước 95% dân số mù chữ năm 1945 thì nay Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh với các bậc học từ mầm non đến đại học và sau đại học.

Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế, nhất là các môn Toán và Tin học, Việt Nam luôn đứng ở trong 5 hoặc 10 nước hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Quỹ Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong phổ cập giáo dục tiểu học.

Năm 2009, tỷ lệ nhập học tinh ở cấp tiểu học là 95,5%, tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 88,2% và tỷ lệ người dân từ 15-24 tuổi biết đọc, biết viết là 97,1%. Tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học của trẻ em trai và trẻ em gái chỉ chênh nhau 1%.

Với tinh thần, phát triển giáo dục là một bộ phận quan trọng của công cuộc đổi mới, tháng 10/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục với tinh thần chủ đạo là chuyển từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng, thực học, thực nghiệp để giáo dục con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao...

Mọi người đều có cơ hội học tập

Theo Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Công Hinh, mô hình thử nghiệm Trung tâm học tập cộng đồng ra đời tại Việt Nam từ những năm 1997-1998. Ðến nay, mạng lưới này tiếp tục phát triển mạnh, cả nước có 11.038 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 99,16% số xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng).

Số lượng các trung tâm học tập cộng đồng đang tiếp tục tăng lên và tạo cơ hội cho hàng chục triệu lượt người được học tập với nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và giữ vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Nhiều trung tâm học tập cộng đồng đã mang lại hiệu quả tích cực. Ðiển hình như các trung tâm học tập cộng đồng ở Ðồng Nai tổ chức phối hợp, liên kết với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân ở địa phương mở các lớp tập huấn, lớp học hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cảnh, bonsai; trồng rau sạch, rau an toàn; trồng cây lâu năm hoặc cây ngắn ngày có giá trị; nữ công gia chánh, cắm hoa, nấu ăn...

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm học tập cộng đồng đã huy động hàng nghìn học viên là người lao động ra học xóa mù chữ, vận động trẻ có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ ra học các lớp phổ cập.

Các hoạt động dạy nghề, dạy các chuyên đề cho cộng đồng đã góp phần tạo hiệu quả cho xã hội, một số hộ gia đình thông qua các lớp nghề ngắn hạn phát triển kinh tế gia đình đã trở thành hộ khá giả, hỗ trợ lại cho cộng đồng, cùng phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Có thể nói, trung tâm học tập cộng đồng đóng vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Sự phát triển nhanh về quy mô, hệ thống các trung tâm đã khẳng định vai trò hiệu quả trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học, xây dựng đoàn kết nội bộ trong nhân dân, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Hiện số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 chiếm tỷ lệ 99,12%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36 đến 60 chiếm tỷ lệ 97,34%.

Đổi mới giáo dục để đạt mục tiêu phát triển toàn diện con người

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đổi mới quan trọng cả về nội dung, phương pháp dạy và học để có nền giáo dục tiên tiến. Đó là đổi mới về chương trình trường học mới, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

Đặc biệt, phương án đổi mới thi cử, bao gồm cả đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình học, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học đã được nghiên cứu ngay từ khi xây dựng đề án đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo. Việc đổi mới thi cử là cần thiết khi những cách thi cũ không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước cũng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục hướng đến mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện về “đức, trí, thể, mỹ”; hài hòa về thể chất và tinh thần, trong đó chú trọng các yêu cầu học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội... Chương trình giáo dục mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Đó là cách tiếp cận nêu rõ học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản; đặc biệt là chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống.

Tính chất và kết quả hoạt động cũng phụ thuộc rất nhiều vào hứng thú, niềm tin, đạo đức… của người học nên chương trình coi trọng mục tiêu phát triển các phẩm chất chung mà mọi học sinh cần có, bên cạnh đó là phát triển các phẩm chất và năng lực riêng của từng em.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục