Đổi tiền lẻ, tiền mới đầu năm: Một thói quen khó đổi?

Khách hàng chỉ cần gọi điện vào số hotline của bất cứ website đổi tiền nào cũng được nhân viên "chăm sóc" chu đáo, đưa ra các loại mệnh giá tiền để khách hàng lựa chọn.
Đổi tiền lẻ, tiền mới đầu năm: Một thói quen khó đổi? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Văn Đạt/TTXVN)

Đến hẹn lại lên, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán 2018 lại "sốt xình xịch" do nhu cầu đổi tiền để lì xì, đi lễ chùa đầu năm của người dân tăng cao. Tại các khu vực như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ…, hoạt động đổi tiền lẻ đang diễn ra sôi động.

Trên các trang mạng, dịch vụ ship hàng tận nơi cũng rầm rộ không kém. Chỉ cần gõ chữ "đổi tiền lẻ" là hiện ra ngay rất nhiều trang nhận làm dịch vụ này.

Hiện nay đang là thời điểm nhu cầu tiền lẻ tăng cao, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống. Trong khi nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước rất hạn chế do chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán nhưng trên thị trường bên ngoài lại diễn ra khá rầm rộ.

Phóng viên đã có những cuộc trò chuyện, tiếp xúc với người dân, nhà quản lý để tìm ra câu trả lời bao giờ thì người dân bỏ được thói quen cứ đến Tết là chạy đôn chạy đáo để tìm đổi tiền lẻ, tiền mới.

Bài 1: Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết "nóng" từng ngày

Những ngày sát Tết Nguyên đán, chúng tôi đã khảo sát ở một sộ cổng đền, chùa, miếu, phủ tại Hà Nội thì nhận thấy dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra rất sôi động. Giá đổi tiền cũng “nhảy múa” từng ngày. Tiền mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng lớn.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ trong những năm gần đây là nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, tuy nhiên, cũng chính điều này lại làm cho tiền lẻ ngày càng khan hiếm, người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen có cơ hội “hét” mức phí cao.

Chợ đen nhộn nhịp, phí cao

Không khó để có thể tìm ra một trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ với một cú nhấp chuột. Những trang web này cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại.

Khách hàng chỉ cần gọi điện vào số hotline của bất cứ website đổi tiền nào cũng được nhân viên "chăm sóc" chu đáo, đưa ra các loại mệnh giá tiền và cam kết tiền mới 100%, nguyên cọc, đầy đủ số tờ, mức phí thấp, giao hàng tận nơi…

Thử liên lạc với số điện thoại 0989456xxx để hỏi về việc đổi tiền lẻ thì được người bán chào mời khá nhiệt tình và khẳng định: "Chị thích đổi bao nhiêu em cũng có. Chị có thể kiểm tra khi hàng đến, đúng thì lấy không thì thôi. Đảm bảo 100% tiền thật.”

Đổi tiền lẻ, tiền mới đầu năm: Một thói quen khó đổi? ảnh 2Bảng giá đổi tiền lẻ, tiền mới được công khai trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Khi được hỏi mức phí đổi, được đầu dây bên kia cung cấp tiền mệnh giá 200.000 đồng với phí đổi 5%, mệnh giá 100.000 đồng là 6%, mệnh giá 50.000 đồng là 7% trên tổng số tiền. Tuy nhiên, đối với mệnh giá 1.000 đồng, mức phí tăng đột biến lên 30%, mệnh giá 500 đồng lên đến 80-100%, cao gấp đôi so với năm 2016.

Trong đó, những tờ tiền 500 đồng được rất nhiều người quan tâm hỏi đổi, mức phí để đổi tờ tiền mệnh giá này cũng rất cao, hiện phổ biến vào khoảng 70-100% và có thể cao hơn nữa trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Kim Anh ở Hạ Hồi, Hà Nội cho biết, năm ngoái để đổi được 1 triệu đồng loại 5.000 đồng, chị phải mất 1,150 triệu đồng nhưng dịp này chị gọi điện đổi thì có nơi đòi 1,2 triệu đồng, thậm chí có chỗ còn đòi 1,250 triệu đồng.

[Mùa lễ hội 2018 kiên quyết xử lý những vấn đề nổi cộm gây bức xúc]

Đáng nói, một số đầu mối đổi tiền còn có các bộ tiền seri đẹp, được chào bán với giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, bộ 10 tờ 1.000 đồng seri tứ quý có giá lên tới 200.000 đồng; bộ 10 tờ 2.000 đồng có giá 220.000 đồng; 10 tờ 5.000 đồng có giá 300.000 đồng.

Trên trang doitienlehn.vn, bảng giá được niêm yết công khai. Tiền mệnh giá từ 10.000-100.000 đồng có mức phí đổi là 12% và cam kết tiền mới, nguyên seri, nguyên tệp. Trong thời điểm cận Tết, nhu cầu đi lễ đền chùa tăng, do đó nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ của người dân là rất lớn.

Tuy nhiên, trên một trang facebook thì mức phí đổi lại mềm hơn, tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 - 5.000 đồng thì chỉ có mức phí là 10%, còn 10.000, 20.000 và 50.000 đồng là 5%.

Một điểm chung là trên mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí chênh lệch từ 5-20% tùy thuộc mệnh giá tiền, cần bao nhiêu cũng có, miễn là đặt trước và giữ uy tín.

Còn ở thị trường bên ngoài, các điểm đổi tiền cũng mọc lên ở nhiều nơi. Thậm chí, trước cửa đền chùa, việc đổi tiền diễn ra khá công khai không kém mạng xã hội. Nguồn cung tiền còn được quảng cáo là dồi dào.

Một ông chủ sạp gần Phủ Tây Hồ còn quảng cáo là muốn đổi 600-700 triệu đồng cũng có luôn và muốn đổi mệnh giá nào cũng được.

Mặc dù giá đổi tiền khá cao nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng đến quan điểm của nhiều người khi đã “tín tâm”.

Khi được hỏi tại sao không đặt lễ ở một nơi trong chùa bằng một tờ mệnh giá lớn thay vì rải tiền lẻ nhiều nơi, chị Thương một người dân đi lễ ở Đền Bà chúa kho cho hay, đây là tiền “giọt dầu”, phải đặt ở đủ các ban mới linh và như thế Đức bà sẽ thấy được "tâm" của người dâng lễ.

Xuất phát từ quan điểm đó nên nhiều người dân dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình làm ngơ. Không khó để có thể thấy tại nhiều đền chùa, tiền lẻ được đặt ở nhiều vị trí phản cảm như gài vào tượng phật, vào bình hoa hay mâm ngũ quả... gây mất mỹ quan.

Đổi tiền lẻ, tiền mới đầu năm: Một thói quen khó đổi? ảnh 3Tiền có mệnh giá 10.000 đồng năm nào cũng được nhiều người lựa chọn đổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Ngân hàng không có

Mặc dù có sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) nhưng bà Trần Thị Nhu ở Thành Công không dễ gì thuyết phục nhân viên ở phòng giao dịch của ngân hàng này đổi cho 2 triệu đồng tiền lẻ. Vừa nghe nói đến việc đổi tiền, nhân viên ở đây đã từ chối khéo: “Cô ơi, hiện giờ chúng cháu cũng còn chưa đổi được đồng nào chỉ có các sếp mới có chỉ tiêu đổi tiền lẻ thôi, nên mong cô thông cảm ra ngoài đổi giúp cháu nhé.”

Đề cập vấn đề đổi tiền lẻ, nhân viên một chi nhánh của SHB cũng trả lời thẳng thắn: “Khách thường không đổi được tiền lẻ đâu chị ạ, chỉ có khách VIP hoặc phải có người quen mới có thể đổi được.”

Trong khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch liên tục kêu không đủ tiền lẻ để đổi cho khách hàng thì giao dịch đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen vẫn rất sôi nổi. Vậy lượng tiền lẻ trên thị trường chợ đen là từ đâu tới mà vừa mới, nguyên seri, nguyên thếp, nguyên cọc và nhiều như vậy?

Theo tìm hiểu, nhiều năm qua vẫn có hiện tượng nhân viên ngân hàng khi được ưu tiên có suất đổi tiền lẻ nhưng không dùng tất cả để đổi tiền cho các khách hàng mà tuồn phần nào đó ra ngoài thị trường chợ đen để ăn chênh lệch.

Trên facebook N.M.H có đăng rất nhiều ảnh tiền mệnh giá nhỏ từ những cọc tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng đến 20.000 đồng. Đặc biệt, rất nhiều cọc tiền 1.000 đồng còn mới và nguyên seri. Phóng viên liên hệ với người này thì được trả lời: “Muốn đổi bao nhiêu tiền mệnh giá nhỏ cũng có, kể cả lên đến tiền tỷ.”

Nói về "nghịch lý" này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc một số cá nhân lợi dụng nhu cầu về tiền mới của dân chúng để làm dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ.

Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì năm nay, đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng chênh lệch./.

Chính vì phí đổi tiền ngoài chợ đen cao nên nhiều người phải nhờ người thân, bạn bè làm ngân hàng hoặc có mối quen biết với ngân hàng để đổi tiền nhưng xung quanh những câu chuyện này cũng làm đau đầu những người đổi tiền.

Bài 2: Áp lực đổi tiền: Vợ chồng bất hòa, đồng nghiệp giận dỗi

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục