Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2023)

Đồng bào dân tộc thiểu số trên ‘chuyến tàu’ Chuyển đổi Số

Các ý tưởng sáng tạo và công nghệ số, được coi là một trong các nhân tố quyết định cho việc chuyển đổi sinh kế của vùng đồng bào dân tộc ít người, cũng như đóng góp chung vào nền kinh tế của Việt Nam.

Không có nhiều đồ chơi, không phải lúc nào cũng có sẵn tivi, Internet, nhưng những đứa trẻ nơi đèo Khau Phạ (Yên Bái) vẫn rạng rỡ với những niềm vui bình dị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không có nhiều đồ chơi, không phải lúc nào cũng có sẵn tivi, Internet, nhưng những đứa trẻ nơi đèo Khau Phạ (Yên Bái) vẫn rạng rỡ với những niềm vui bình dị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong bước phát triển đó, không thể không nhắc tới các ý tưởng sáng tạo và công nghệ số, được được coi là nhân tố quyết định cho việc chuyển đổi sinh kế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như đóng góp chung vào nền kinh tế của Việt Nam.

Giải quyết nạn đói nghèo chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản, đặc biệt là với những nhóm dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều ghi nhận và khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang có những tác động hết sức phức tạp đối với việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt đối với quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đối diện với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học công nghệ, thương mại và đầu tư, một số nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương, có nguy cơ tụt hậu và bị loại khỏi quá trình phát triển.

Trong số những người đang phải chịu cảnh đói nghèo kinh niên tại Việt Nam, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đang chiếm một tỷ lệ bất cân xứng. Chiếm khoảng 15% dân số cả nước nhưng họ lại chính là 90% những người nghèo cùng cực của đất nước, và 50% trong số này đang bị nghèo đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người của họ chỉ bằng 40-50% bình quân đầu người cả nước.

Bất chấp những thách thức đó, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (dân tộc thiểu số và miền núi) trong những năm qua có bước phát triển tích cực, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo. Trong bước phát triển đó, không thể không nhắc tới các ý tưởng sáng tạo và công nghệ số, được được coi là nhân tố quyết định cho việc chuyển đổi sinh kế của vùng đồng bào dân tộc ít người, cũng như đóng góp chung vào nền kinh tế của Việt Nam.

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD - ra đời năm 1965), đồng thời thực hiện nhiều chủ trương chính sách nhằm bảo đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, quyền của dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị, là quyền rất căn bản mà các nhóm dân tộc thiểu số ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948; và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.

ngaynhanquyenthegioi.JPG
Hoàng hậu Vương quốc Bỉ Mathilde giao lưu với học sinh Trường tiểu học Hàm Rồng, Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng đan xen. Người dân tộc thiểu số chiếm 14,68% tổng dân số cả nước. Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật với việc ban hành hàng loạt các văn bản luật, quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số. Quy định về quyền của các dân tộc thiểu số thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực của công cuộc phát triển đất nước.

Thực tế cho thấy rõ, việc không để đồng bào dân tộc thiểu số bị tụt lại phía sau không phải là câu chuyện của ngày hôm nay. Ngay trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, việc thu thập những dữ liệu tin cậy về đói nghèo tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 1992, thời điểm mà tỷ lệ dân số đói nghèo ước tính là 58%. Kể từ đó, công tác xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam đã đạt được bước tiến bộ đáng kinh ngạc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ đói nghèo nói chung từ mức 49% đầu thập niên 1990 đã giảm xuống còn khoảng 4% trong năm 2021.

Việt Nam đã đặt mục tiêu cho chương trình giảm nghèo quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, với mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1-1,5%, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3% và các huyện nghèo là từ 4-5%. Việt Nam cũng đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về giảm nghèo đói trước thời hạn đề ra. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương áp dụng các biện pháp tính chuẩn nghèo đa chiều (MDP) và đã sử dụng các chỉ số này kể từ năm 2015 để giám sát tình trạng đói nghèo và triển khai chính sách.

Thịnh vượng đồng nghĩa với thúc đẩy nhân quyền

Một trong những thành tựu chính đã được ghi nhận của Việt Nam về đảm bảo quyền con người là việc nhanh chóng ứng dụng những giải pháp sáng tạo và công nghệ từ cấp cơ sở để phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể tới việc cách đây 4 năm, Việt Nam đã phối cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng dự án có tên gọi “Giải pháp 4M” (Gặp gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển) để hỗ trợ các nữ doanh nghiệp vi mô dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Đây là một loạt các giải pháp gồm: Gặp gỡ các đối tác sản xuất, kinh doanh tiềm năng; Kết nối các nhu cầu, cơ hội kinh tế với các đối tác làm ăn; Đồng hành các đối tác làm ăn và chính quyền địa phương đồng hành cùng các hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý; Phát triển nhân rộng các giải pháp thành công trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

dantocthieuso_02.JPG
Báo Điện tử VietnamPlus trao tặng bồn chứa nước sạch cho 64 hộ nghèo xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Giải pháp 4M” được thử nghiệm và nhân rộng tại 4 tỉnh gồm Bắc Kạn, Đắc Nông, Lào Cai và Sơn La. Hiện nay, được trang bị các kiến thức về sản xuất và phương pháp kinh doanh, rất nhiều người trong số các nữ doanh nghiệp vi mô người dân tộc thiểu số đã mở rộng hoạt động, cũng như tiếp cận các thị trường, kể cả môi trường thương mại trực tuyến. Theo UNDP, kết quả là tính đến đầu năm 2023, khoảng 100 hợp tác xã dạng này đã tăng thu nhập của họ ít nhất 30%, tạo nguồn thu cho hơn 13.000 phụ nữ người dân tộc thiểu số .

Đặc biệt, đã có trường hợp nữ doanh nghiệp tại Bắc Kạn nhờ chuyển đổi mô hình sang kinh doanh online đã giúp duy trì được thu nhập ngay trong trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đồng thời mở rộng sản xuất, thuê thêm nhiều lao động nữ. Sự thành công của mô hình 4M đã chỉ ra đường hướng cho hai chương trình quốc gia khác về phát triển kinh tế-xã hội, cũng như một chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững cho các đồng bào dân tộc thiểu số những người dân sống tại vùng sâu vùng xa.

Việc tận dụng các ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và thực thi các chính sách, chương trình cho người thiểu số là nhân tố mấu chốt để thúc đẩy thịnh vượng, không chỉ cho riêng các cộng đồng thiểu số mà cả nền kinh tế Việt Nam. Quá trình số hóa việc tự đăng ký, xác nhận và các hệ thống quản lý đã giải quyết vấn đề nghèo đa chiều, cũng như tăng cường năng lực thương mại điện tử và các hệ thống thanh toán online, hỗ trợ sự tiến bộ bền vững.

Đảm bảo quyền con người sau đại dịch

Những thành tựu từ nỗ lực đảm bảo nhân quyền không thể đến trong ngày một ngày hai. Trên bình diện quốc tế, vào ngày 11/10/2022, Việt Nam đã lần thứ hai (sau nhiệm kỳ 2014-2016) trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Việt Nam đã và sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên hợp quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

Tại khóa họp lần thứ 54 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc kết thúc ngày 13/10 vừa qua, sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, như chủ trì một số sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, trong đó có một số phát biểu chung của ASEAN.

Cụ thể là Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, đồng thời phối hợp với Brazil và Gavi, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, chủ trì Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng Ấn Độ đồng bảo trợ và tổ chức tọa đàm quốc tế về “75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và 30 năm Chương trình hành động Vienna: Triển khai quyền phát triển nhằm bảo đảm quyền con người và Chương trình nghị sự 2030,” tiếp nối sáng kiến của Việt Nam hồi tháng 2 năm nay về Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về kỷ niệm hai văn kiện quốc tế quan trọng nêu trên.

Trong các phát biểu, đoàn đã nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; giới thiệu những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, bảo đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm bớt gánh nặng tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Có thể khẳng định, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, coi trọng và thúc đẩy các quyền con người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng lên là yếu tố nền tảng đề hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục