Đóng bảo hiểm xã hội: Cần phải công bằng giữa khu vực công và tư

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo bình đẳng giữa khu vực công và tư, việc đóng bảo hiểm xã hội cần dựa trên nguyên tắc "đóng hưởng"
Đóng bảo hiểm xã hội: Cần phải công bằng giữa khu vực công và tư ảnh 1Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang phát biểu ý kiến (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đóng bảo hiểm xã hội mới thực hiện ở lực lượng lao động chính thức (khu vực công) trong khi để đảm bảo an sinh xã hội cần phải mở rộng cho cả khối lao động tự do và nông dân (khu vực tư).

Để làm rõ những nội dung của luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, bà Trương Thị Mai đã có những chia sẻ với Vietnam+ về vấn đề này.

- Thưa bà, tại sao đến thời điểm này, việc đóng bảo hiểm xã hội vẫn đạt tỷ lệ thấp?

Bà Trương Thị Mai: Theo tôi, nếu một đất nước mà chính sách hưu trí chỉ có 20% tham gia nghĩa là 80% còn lại khi về già họ sẽ không có chính sách an sinh xã hội thì phải tính toán lại.

Do vậy, để tăng tỷ lệ này lên, đối với khu vực phi chính thức nhằm giúp nông dân và lực lượng lao động tự do có thể tham gia thì nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí, để tạo động lực cho họ tham gia. Theo dự báo nếu có cơ chế khuyến khích có thể tăng thêm 10-15%.

Điều quan trọng nhất để thu hút được đông đảo các lực lượng xã hội cũng tham gia đóng bảo hiểm xã hội là phải tái cơ cấu nền kinh tế, tăng số lượng doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả lên, có như vậy mới tăng được số lượng lao động chính thức và số lượng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, số còn lại sẽ phải cần cơ chế khuyến khích để họ tham gia.

- Vậy theo bà có nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội không và để làm được việc này thì ngân sách sẽ phải cân đối như thế nào?

Bà Trương Thị Mai: Nếu mở rộng đối tượng thì ngân sách phải chi thêm hơn 100 tỷ đồng/năm, bây giờ phải xin ý kiến của quốc hội nghiêng về phương án nào, vài trăm tỷ không phải quá lớn với ngân sách quốc gia, nhưng phải cân nhắc để áp dụng cho phù hợp.

Lấy ví dụ, trong phiên thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có ý kiến cho rằng cần bổ sung đối tượng là cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường vào đóng bảo hiểm xã hội, theo tôi ý kiến này là đúng bởi lẽ số lượng cán bộ này hiện cũng không lớn lắm nếu như được đóng bảo hiểm thì sau này ngân sách sẽ bớt gánh nặng khi họ phải nghỉ hưu.

Đóng bảo hiểm xã hội: Cần phải công bằng giữa khu vực công và tư ảnh 2Cần mở rộng thêm đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN)

- Có con số đưa ra cho rằng, hiện nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã vượt 11.000 tỷ đồng, vậy theo bà trước thực trạng trên cần phải có chế tài như thế nào?

Bà Trương Thị Mai: Trong quá trình phát triển kinh tế và cả suy thoái kinh tế, chúng ta sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, có trường hợp cố ý, có trường hợp do khách quan của doanh nghiệp… Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tăng cường thêm xử lý trách nhiệm với các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như đồng bộ với việc này thì Luật Hình sự sửa đổi sẽ quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện chế tài đã có nhưng mới là xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt tăng thêm nhưng nợ đọng vẫn là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng tới người lao động về dài hạn nên theo tôi Bộ Luật Hình sự sắp tới trình Quốc hội cần bổ sung thêm một số tội tăng tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn với trường hợp do khách quan, do kinh doanh gặp khó khăn thực sự nên quy định xử lý đúng mức để tạo điều kiện một mặt doanh nghiệp làm ăn bình thường, người lao động bảo đảm chính sách an sinh xã hội.

Để giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và ngăn chặn những hành vi sai trái, trong luật Bảo hiểm sửa đổi lần này cũng đưa vào một số hành vi cấm như: hành vi chiếm đóng, trốn đóng chiếm dụng bảo hiểm xã hội để xem xét yếu tố hình sự.

- Thưa bà qua thảo luận còn có ý kiến trái chiều xung quanh việc trao quyền thanh tra cho Bảo hiểm xã hội, vậy quan điểm của bà thế nào?

Bà Trương Thị Mai: Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, đó là bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động.

Việc tăng quyền thanh tra lên cho hơn 500 cán bộ đang làm công tác kiểm tra của bảo hiểm là cần thiết, vì khi có thêm chức năng thanh tra, họ có thêm quyền lập biên bản phạt, thêm quyền xử lý chắc chắn sẽ khắc phục được sự quá tải của lực lượng thanh tra lao động và việc này sẽ tốt hơn cho người lao động. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.

- Hiện cách tính lương hưu để đóng bảo hiểm xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau, vậy ở góc độ là người đứng đầu Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, quan điểm của bà như thế nào?

Bà Trương Thị Mai: Chúng ta cần phải tuân thủ nguyên tắc đóng bảo hiểm và hưởng bảo hiểm xã hội, tức là người đóng bảo hiểm cho cả cuộc đời làm việc và phần đóng đó người lao động sẽ được hưởng khi mà không còn lao động nữa để có thêm một khoản lương hưu để duy trì cuộc sống.

Hiện nay việc đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động, chúng ta đang lấy bình quân của một số năm cuối để tính nên lương hưu rất cao. Sau này sẽ tính lương bình quân cho cả quá trình đóng, như vậy sẽ hợp lý hơn.

Tôi cũng nhấn mạnh để người lao động yên tâm, người đóng bảo hiểm đầu tiên vào ngày 1/1/2018 mới bắt đầu tính chính sách này và 20 năm sau, người đó sẽ hưởng lương hưu bình quân cả cuộc đời đóng bảo hiểm. Nếu tính sớm quá sẽ thiệt thòi cho người lao động vì quá trình tính lương của ta thời gian qua có nhiều thăng trầm, mức lương hưu cách đây hơn chục năm rất thấp, sẽ khó khăn cho người lao động.

- Xin trân trọng cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục